Các quốc gia EU muốn miễn trừ cấm vận dầu mỏ Nga
01:53 SA @ Thứ Năm - 05 Tháng Năm, 2022

Hungary, Slovakia, Bulgaria và Cộng hòa Séc đang tìm kiếm các giải pháp miễn trừ trong đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga do lo ngại về an ninh năng lượng.

Nhà máy lọc dầu của công ty Lukoil ở Volgograd, Nga. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), trong cuộc phỏng vấn với tờ báo tài chính Capital hôm 4/5, Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev cho biết Bulgaria sẽ xin miễn trừ lệnh cấm vận dầu mỏ do Liên minh châu Âu đề xuất, nếu yêu cầu này được cho phép.

Neftochim Burgas - nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) - là nhà cung cấp nhiên liệu chính ở Bulgaria. Nhà máy này tinh chế khoảng 50% dầu thô của Nga và 50% dầu thô từ các nguồn cung khác.

Phó Thủ tướng Vassilev cho biết: “Về mặt công nghệ, nhà máy vẫn có thể hoạt động nếu không có dầu thô của Nga, nhưng điều đó sẽ đẩy giá nhiên liệu lên cao đáng kể. Vì vậy, nếu Ủy ban châu Âu xem xét các trường hợp miễn trừ, chúng tôi muốn tận dụng quyền miễn trừ đó vì lợi ích tốt nhất của người tiêu dùng Bugaria, những người vận chuyển hàng hóa và người dân Bulgaria nói chung”, ông nói.

Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc cũng đang tìm kiếm quyền miễn trừ tương tự. Hôm 4/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này không thể ủng hộ việc EU cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, vì cho rằng động thái này sẽ phá hủy an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Szijjarto cho biết trên Facebook: “Gói trừng phạt của Brussels sẽ cấm dầu vận chuyển từ Nga đến châu Âu. Trong trường hợp của Hungary, chỉ có một thông báo ngắn gọn là lệnh trừng phạt có hiệu lực vào cuối năm 2023”. Ngoại trưởng nói thêm rằng Budapest có thể chấp nhận biện pháp này, nếu EU không cấm vận nhập dầu thô từ Nga thông qua các đường ống dẫn dầu.

Trạm nén khí ở khu vực Velke Kapusany, biên giới Slovakia-Ukraine. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Slovakia cũng cho biết nước này sẽ xin miễn trừ mọi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga do EU đề xuất. Bộ Kinh tế Slovakia tuyên bố: “Nếu nói đến lệnh cấm vận dầu mỏ Nga theo một phần của gói trừng phạt nhằm vào Moskva, Slovakia sẽ yêu cầu được miễn trừ”.

Cơ quan này cho biết Slovakia không thể thực hiện tinh chế các loại dầu khác ngay lập tức và việc chuyển đổi công nghệ rất khó khăn, cả về tài chính và thời gian. Nước này cần có giai đoạn chuyển giao kéo dài 3 năm để có thể ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga. Bộ trưởng Kinh tế Richard Sulik nói rằng giai đoạn chuyển giao dài hơn sẽ giúp Slovakia có thời gian để tìm nguồn cung thay thế.

Slovakia nhập khẩu gần như toàn bộ dầu thô từ Nga, chủ yếu thông qua đường dẫn khí đốt Druzhba từ thời Liên Xô. Trong khi đó, Bratislava cho biết họ chỉ có trữ lượng dầu dự trữ trong 120 ngày.

Một nguồn tin của EU tiết lộ rằng Slovakia và Hungary sẽ có thể tiếp tục mua dầu thô của Nga cho đến cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện có.

Mỏ khí đốt Bovanenkovo thuộc sở hữu của Gazprom trên bán đảo Yamal, Nga. Ảnh: Reuters

Tương tự, Cộng hòa Séc cho biết nước này sẽ ủng hộ quyết định trừng phạt của EU, nhưng cần 2-3 năm để có thể tăng công suất các đường ống dẫn dầu chảy đến nước này.

Trước đó, EU đã đề xuất lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, theo một phần của gói trừng phạt mới nhằm vào Moskva do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cụ thể, hôm 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra đề xuất gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Moskva theo từng giai đoạn. Cơ quan này muốn từng bước loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, các đề xuất trên vẫn còn phải chờ tất cả 27 nước thành viên thông qua. Theo một quan chức quen thuộc với tình hình, các đại diện của EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận, song họ có thể tiến gần hơn đến một thỏa thuận trong cuộc họp ngày sắp tới. Bà Ursula von der Leyen cho biết các cuộc thảo luận sẽ "không dễ dàng" trong bối cảnh một số nước EU còn phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga.

Tuần trước, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt đến Bulgaria do từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Nguồn: