Canada và mục tiêu siêu cường năng lượng
02:11 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Sáu, 2015

Canada từng được kỳ vọng sẽ là một siêu cường năng lượng với trữ lượng dầu cát lớn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nguồn của cải này có lẽ sẽ phải “nằm im chờ thời” dài dài và chưa thể giúp cho đất nước Bắc Mỹ có cơ “đổi đời”, bởi rất nhiều khó khăn đang bủa vây trước mắt…

Gần như toàn bộ trữ lượng dầu thô của Canada được tập trung tại phần phía bắc của tỉnh Alberta, chủ yếu nằm dưới dạng dầu cát (tar sand). Chúng chứa 174 tỉ thùng dầu có thể thu hồi được một cách có lợi nhuận và 141 tỉ thùng khác đáng giá để khai thác nếu giá dầu mỏ tăng hay chi phí cho việc tinh chế giảm - đủ để tạo cho Canada một lượng dầu dự trữ lớn hơn của Arập Xêút. Nói như vậy, bởi việc tinh chế dầu cát phức tạp hơn và đắt đỏ hơn khai thác dầu thô truyền thống.

Canada và mục tiêu siêu cường năng lượng

Một biểu ngữ phản đối xây dựng đường ống Keystone XL và khai thác cát dầu ở Canada của các nhà hoạt động môi trường

Có hai cách để sản xuất dầu cát. Một là khai thác bề mặt, trong đó các vỉa cát dầu tại mỏ được xúc lên mặt đất, nghiền nhỏ, trộn với nước ấm thành bùn, vận chuyển bằng đường ống đến nhà máy. Tại đây hỗn hợp được thiết bị tách thành cát và bitumen. Bitumen tinh chế tách ra từ cát dầu sau đó được chế biến thành dầu thô tổng hợp và các sản phẩm dầu khí khác. Phương pháp thứ hai - thân thiện với môi trường hơn, trong đó sử dụng các chất lỏng ion để hỗ trợ tách dầu có độ nhớt cao từ cát và làm sạch sự cố tràn dầu trên các bãi biển và tách dầu từ các mẩu vụn sau khi khoan.

Nhưng nói chung, cả hai phương pháp này đều tiêu tốn năng lượng và nước nhiều hơn 17% so với khai thác dầu từ giếng truyền thống. Việc sản xuất dầu cát cũng gây hiệu ứng nhà kính nhiều gấp 4,5 lần so với khai thác dầu mỏ thông thường và đã trở thành một trong những nguồn gây khí thải nhà kính nhiều nhất tại Canada. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối khai thác dầu cát ở Canada, Mỹ và nhiều nước khác.

Trước kia, một trong những lợi thế lớn nhất của Canada trên thị trường năng lượng toàn cầu là sự ổn định chính trị ở quốc gia này. Sự ổn định đó là một điểm cộng rất lớn đối với các công ty năng lượng khi quyết định đầu tư phát triển nguồn dầu cát dồi dào ở Canada, bởi không những họ sẽ được chính quyền “bảo kê” trước những nhà hoạt động môi trường, mà còn không sợ rủi ro bị quốc hữu hóa các tài sản của mình.Tuy nhiên, sự ổn định chính trị của Canada đã bị giáng một đòn nặng khi chính quyền ủng hộ phát triển nguồn năng lượng cát dầu ở tỉnh Alberta bị thất cử. Điều này đồng nghĩa với việc ngành dầu cát ở tỉnh vựa dầu Alberta phải đối mặt với tương lai bất định, phụ thuộc vào chính sách của chính quyền mới.

Mặt khác, trong vòng xoáy giá dầu, khai thác dầu cát ở Canada cũng khốn đốn chẳng kém các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ. Họ buộc phải cắt giảm đầu tư và nhân công, cũng như chứng kiến lợi nhuận sụt giảm. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Alberta do bà Rachel Notley - Chủ tịch Đảng Dân chủ Mới lãnh đạo đã tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ thuế doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 12% - một động thái được đánh giá là khiến túi lợi nhuận của các nhà sản xuất cát dầu càng bị co hẹp lại.

Hơn nữa, dầu cát đã trở thành tiêu điểm của các nhà hoạt động môi trường ở cả Bắc Mỹ và châu Âu. Dự án đường ống dẫn đầu Keystone XL với vai trò quan trọng trong việc chuyển dầu thô từ tỉnh Alberta, Canada đến các cơ sở chiết xuất ở Bờ Vịnh Mỹ đã rơi vào bế tắc nhiều năm nay bởi chính quyền Tổng thống Barack Obama ngần ngại vượt qua sự chống đối kiên quyết từ các nhà hoạt động môi trường. Nay, dự án này càng không có cơ hội “sống sót” dưới chính quyền mới của tỉnh Alberta.

Trong khi đó, cuộc tranh cãi giữa Canada và Liên minh châu Âu (EU) xung quanh vấn đề dầu cát vẫn chưa ngã ngũ. EU vẫn liệt các sản phẩm dầu cát là “dầu bẩn” và cấm nhập khẩu và vấn đề này vẫn là “vùng cháy âm ỉ” giữa đôi bên từ năm 2009.

Tất cả những khó khăn này khiến cho tương lai các nhà sản xuất dầu cát của Canada thêm phần bi quan. Điều quan trọng là không ai có ý tưởng rõ ràng về khi nào những khó khăn sẽ được giải quyết. Công ty Goldman Sachs mới đây đã làm chấn động giới đầu tư với dự đoán rằng, dầu sẽ được bán với giá 55USD/thùng vào năm 2020. Nếu điều đó là đúng, tương lai ảm đạm đang chờ ngành khai thác dầu Canada, đặc biệt là tỉnh Alberta.

Từ đầu năm 2015 đến nay, giá dầu giảm mạnh đã khiến các công ty năng lượng chậm, hoãn hoặc cắt giảm khoảng 100 tỉ USD chi phí đầu tư cho các dự án mới trong lĩnh vực cát dầu. Đến như Shell - một “đại gia” trong giới dầu khí toàn cầu hồi tháng 2-2015 cũng đã phải tuyên bố dừng dự án xây dựng một khu mỏ khai thác cát dầu có công suất 200 nghìn thùng/ngày ở sông Pierre, tỉnh Alberta để tập trung cho các dự án cũ.

Thực tế nghiệt ngã còn thể hiện trong kết quả kinh doanh Quý I/2015 của Cenovus Energy - công ty sản xuất dầu cát lớn nhất Canada. Công ty này đã báo cáo thiệt hại lên tới 668 triệu USD, so với mức lợi nhuận ròng 247 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính của Cenovus gây thất vọng, đặc biệt là cho các cổ đông, với những tin khác như dòng tiền lưu thông trong quý đầu năm nay của công ty giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư năm 2015 sẽ bị cắt giảm 40%, tương đương 700 triệu USD, khoảng 15% lực lượng lao động sẽ bị sa thải và việc tăng lương cho các nhân viên còn lại bị trì hoãn. Chỉ có một tín hiệu lạc quan là Cenovus đã giảm chi tiêu hoạt động trung bình 4,99USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng điều này không thể bù đắp thiệt hại do giá dầu giảm tới hơn 50%.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của các công ty sản xuất dầu Canada đều giảm mạnh so với thời kỳ trước khủng hoảng giá dầu. Giá cổ phiếu của Cenovus giảm gần 38%, trong khi của các nhà sản xuất dầu cát lớn khác như Canadian Oil Sands, Suncor Energy và Imperial Oil lần lượt giảm 54,7%, 21,3% và 13%. Đầu tư vào ngành khai thác dầu cát của Canada trong năm nay dự kiến sẽ đạt 23 tỉ USD, thấp hơn năm ngoái khoảng 30% do giá dầu giảm và dự án đường ống Keystone XL bị đình trệ.

Canada và mục tiêu siêu cường năng lượng

Một khu mỏ khai thác dầu cát ở Canada

Nhưng dù vậy, các công ty khai thác dầu cát lớn vẫn đang tăng mức sản xuất, cho dù giá dầu đang giảm mạnh và cung cũng đang vượt cầu, để không bị mất thị phần. Sản lượng dầu cát của Cenovus đạt trung bình hơn 144 nghìn thùng/ngày trong Quý I/2015, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng dầu của công ty này cũng đạt hơn 218 nghìn thùng/ngày, tăng 11%. Các công ty Suncor, Imperial và Canadian Oil Sands cũng tăng sản lượng. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ Canada (CAAP) vẫn đánh giá, bất chấp các thách thức, khai thác dầu cát vẫn là động lực chính giúp Canada đạt tăng trưởng trong lĩnh vực dầu khí, với sản lượng khai thác lên đến 4 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng khai thác sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình dư cung và khiến giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tháng 5-2015 dự báo, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ ở mức trung bình 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay và sẽ giảm xuống còn 900 nghìn thùng/ngày trong nửa cuối năm, khi nhu cầu tăng lên và sản xuất dầu chậm lại, nhất là ở Mỹ. Tuy nhiên, cung cầu vẫn mất cân bằng và giá dầu sẽ ở mức thấp, có thể sẽ còn xuống thấp hơn so với mức giá hiện nay.

Nguồn: