Công suất dầu mỏ dự phòng của thế giới gia tăng
(Nguồn: americanforeignrelations)
Theo báo cáo hai tháng một lần vừa được Cơ quan thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố, công suất dầu mỏ dự phòng của thế giới (trừ Iran) đã tăng trong hai tháng qua, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng sụt giảm tại Mỹ và việc sử dụng dầu mỏ để sản xuất điện giảm tại khu vực Trung Đông.
Trong tháng 9 và 10/2012, công suất dầu mỏ dư thừa của thế giới là 2 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 1,8 triệu thùng/ngày trước đó hai tháng, song thấp hơn nhiều so với mức tương ứng bình quân 3,6 triệu thùng/ngày từ năm 2009 đến năm 2011.
Công suất dầu mỏ dư thừa càng nhiều càng tạo thêm cơ sở để chính quyền Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Tehran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia này, thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào nguồn thu dầu mỏ của Iran.
Các biện pháp trừng phạt Iran đề nghị các nhà nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới phải mua ít dầu của nước này hơn hoặc phải đối mặt với rủi ro bị hệ thống tài chính Mỹ gạt ra ngoài. Trong khi đó, Tehran khăng khăng rằng họ phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự.
Trong khi nhu cầu giảm thì sản xuất dầu mỏ toàn cầu (ngoài Iran) lại tăng. Các nước Libya, Iraq và Arập Xêút bơm thêm dầu thô, còn Mỹ cũng tiếp tục hút dầu từ nguồn dự trữ dầu đá phiến khổng lồ của họ.
Cũng theo EIA, Arập Xêút hiện là nước có công suất dầu mỏ dự phòng lớn nhất thế giới, và sản xuât 9,8 triệu thùng/ngày trong 60 ngày qua, tăng khoảng 100.000 thùng/ngày so với cách đây hai tháng.
Số liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Iran đã làm xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm từ 2,2 triệu thùng/ngày năm 2011 xuống khoảng 860.000 thùng/ngày tháng 9/2012.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Dầu mỏ Iran Alireza Nikzad-Rahbar đã bác bỏ số liệu trên, đồng thời cho biết hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran "đang tiếp tục xu hướng bình thường" và dự kiến sẽ xuất hiện tại "các thị trường mới"./.
Trang Nhung (TTXVN)
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)