Đăng kiểm định kỳ khí thải xe máy cần lộ trình phù hợp
01:55 SA @ Thứ Tư - 06 Tháng Mười, 2021

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng hiện nay, việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy là một quy định cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào cho khả thi mà không áp đặt, làm khó cho người dân là bài toán cần được tính toán kỹ lưỡng.

kiemtrakhithai

Ảnh minh họa

Lộ trình nào để kiểm soát khí thải xe máy?

Mới đây, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ có các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, trong đó kiến nghị bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy có định kỳ kiểm tra khí thải, có chế định liên quan đến bảo hành, bảo trì và đặc biệt là bảo dưỡng thường xuyên phương tiện giao thông, kèm theo đó là chế tài đủ mạnh để xử lý nếu cá nhân, tổ chức không chấp hành.Bộ này đề nghị bổ sung thông số về khí thải trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, màu của tem kiểm định để phân biệt các thông số khí thải, cung cấp cho người tiêu dùng từ nhập khẩu đến kiểm định định kỳ.

Bộ Công an cũng cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về đăng ký xe, theo hướng bổ sung đầy đủ dữ liệu liên quan đến loại động cơ, loại nhiên liệu, chỉ số khí thải vào dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện; thiết kế và lắp biển số xe có đặc trưng riêng cho xe xanh (xe điện, xe lai xăng điện…) để phân biệt với phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu và đề xuất ưu tiên cho phép tham gia giao thông trên những tuyến đường mà phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu không được phép lưu thông.

Tuy nhiên, trong các nội dung Bộ Công an gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam lại chưa đưa ra lộ trình cụ thể về việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy dù Bộ Công an chỉ ra 5 nguyên nhân làm gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông làm ô nhiễm không khí và nhận định việc kiểm tra này là cần thiết.

Cần lộ trình cụ thể và hành lang pháp lý lâu dài

Trên thực tế, câu chuyện kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy không phải là vấn đề mới bởi đây là câu chuyện trăn trở từng được Bộ GTVT đưa ra và xung quanh đề xuất của Bộ Công an vẫn còn không ít ý kiến khác nhau từ mục đích, cách thức tới lộ trình triển khai.

Không ít chuyên gia giao thông khi được hỏi đã đặt vấn đề về việc cần phải làm rõ mục đích của việc kiểm định xe máy định kỳ là gì “để hạn chế ô nhiễm môi trường hay đề ra để thu phí”. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tỏ ra thận trọng khi nhận định về tính khả thi của đề xuất trên. Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, với lượng xe máy lên tới hàng chục triệu chiếc thì rất khó để kiểm định khí thải định kỳ. Trong khi đó, về hành lang pháp lý, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô, chưa quy định đối với xe máy. Do đó, để triển khai việc này, không chỉ cần một lộ trình cụ thể mà còn phải xây dựng một hành lang pháp lý mang tính định hướng lâu dài.

Không chỉ vậy, do xe máy là phương tiện đi lại cũng như mưu sinh của hàng chục triệu người lao động nên các chuyên gia cho rằng, quy định trên nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của rất nhiều người, tác động đến kinh tế - xã hội là không nhỏ. Do vậy, cần có những bước thử nghiệm, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thật bài bản trước khi áp dụng rộng rãi, tránh mang tính áp đặt, gây khó cho người dân.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có đề xuất triển khai đo kiểm định khí thải, qua đó từng bước tuyên truyền, khuyến khích người dân chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ và thực hiện thải bỏ xe máy cũ nát, đổi xe máy mới. Trong đó, TP. Hà Nội dự kiến sẽ kiểm tra khí thải (tự nguyện) khoảng 3.000 - 5.000 xe máy cũ của các hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) là Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM. Những xe không đạt yêu cầu sẽ được hỗ trợ sửa chữa, thay mới nếu có nhu cầu. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 9/2021 đến hết tháng 6/2022.

Nguồn: