Giá dầu ngày hôm qua đã giảm phiên thứ tư liên tiếp sau khi các nước sản xuất chủ chốt không thể đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng trong phiên họp tại Doha hôm Chủ nhật.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 58 cent, tương ứng 1,4%, xuống 39,78 USD một thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường Châu Âu giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 19 cent, tương đương 0,4%, xuống 42,91 USD một thùng.
Đây là kết quả không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích sau khi cuộc họp giữa các nước xuất khẩu dầu chủ chốt tại Doha hôm Chủ nhật vừa qua kết thúc mà không mang lại kết quả nào. Không có một thỏa thuận đóng băng sản lượng, các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục đi xuống nữa. Tuy nhiên, một số nhà quan sát thị trường cho rằng giá dầu không thể lại rơi xuống mức đáy như hồi tháng Hai do sản lượng toàn cầu đang có xu hướng giảm và nhu cầu tiếp tục tăng. Hơn nữa, đà giảm của giá dầu cũng phần nào chững lại do lo ngại cuộc đình công tại Kuwait sẽ kéo giảm nguồn cung dầu của nước này.
Kuwait Oil Co., hôm Chủ nhật cho biết, sản lượng dầu thô của công ty đã giảm xuống 1,1 triệu thùng một ngày so với mức 3 triệu thùng một ngày trước đó do cuộc đình công. Nhưng nguồn cung từ Kuwait có giảm lâu hay không thì vẫn rất khó nói.
Giá dầu Mỹ đã tăng hơn 50% từ mức thấp nhất 13 năm qua hồi tháng 2/2016 do đồn đoán các nước sản xuất chủ chốt, kể cả Ả rập Saudi và Nga sẽ đồng ý đóng băng sản lượng. Mặc dù sản lượng toàn cầu tiếp tục vượt nhu cầu, nhưng một số nhà đầu tư hy vọng thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ khiến sản lượng giảm trong tương lai. Tuy nhiên, những kỳ vọng mong manh đó đã không được đáp ứng trong cuộc họp Doha.
Nguyên nhân chính khiến cuộc họp Doha đổ vỡ là việc Ả rập Saudi từ chối tham gia thỏa thuận nếu Iran không cam kết có hành động tương tự trong việc đóng băng sản lượng. Còn Iran thì kiên quyết không tham gia thỏa thuận, thậm chí còn không cử đại diện đến họp. Quốc gia này còn tuyên bố sẽ tăng sản lượng để tăng thị phần sau khi lệnh cấm xuất dầu thô của nước này vào Châu Âu được gỡ bỏ.
Trong một phản ứng sau cuộc họp, Ả rập Saudi tuyên bố sẽ sẵn sàng tăng sản lượng lên trong thời gian tới để ngăn cản Iran mở rộng thị phần. Nếu điều này là thật, cuộc chiến dầu mỏ giữa Iran và Ả rập Saudi sẽ càng căng thăng hơn và giá dầu chắc chắn sẽ còn đi xuống.
Chuyên gia phân tích Abhishek Deshpande tại Natixis SA ở Luân Đôn cho rằng không thể biết được Ả rập Saudi sẽ phá hủy thị phần của Iran là bao nhiêu, nhưng quốc gia này có cơ hội để làm điều đó và sẽ tăng sản lượng lên theo như kế hoạch.
Trong nhiều thập kỷ, Ả rập Saudi tuyên bố không dùng dầu làm vũ khí ngoại giao, nhưng động thái gần đây cho thấy dầu đang trở thành một vũ khí của quốc gia này. Rõ ràng Ả rập Saudi thà chấp nhận giá dầu thấp cùng doanh thu từ dầu thấp còn hơn là đồng ý một thỏa thuận đóng băng sản lượng mà lại mang lại lợi nhuận cao cho quốc gia thù định Iran.
TIN KHÁC
Indonesia và Arab Saudi ký thỏa thuận đầu tư trị giá 27 tỷ USD(04/07/2025)
Hai nhân tố đẩy giá dầu thế giới đi xuống phiên 3/7(04/07/2025)
Giá dầu thế giới tăng vọt 3% phiên 2/7(03/07/2025)
Trung Quốc bất ngờ tăng nhập dầu Iran: Tính toán chiến lược giữa vùng xoáy Trung Đông(02/07/2025)
Giá dầu tăng nhờ tín hiệu nhu cầu tích cực(02/07/2025)