Giá dầu tăng trong tuần giao dịch vừa qua, trong đó giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc tuần ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.
Giá dầu tăng trong tuần giao dịch vừa qua, trong đó giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc tuần ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 11, dưới tác động từ khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, căng thẳng tại Trung Đông, và sự không chắc chắn trong triển vọng nhu cầu dầu thô.
Khép lại phiên 16/2, giá dầu WTI giao tháng Ba tăng 1,16 USD, hay 1,5%, lên 79,19 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 6/11 năm ngoái, theo số liệu của Dow Jones Market Data.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tư tăng 61 xu Mỹ, hay 0,7%, lên 83,47 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 26/1. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI và dầu Brent tăng lần lượt 3,1% và 1,6%, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu WTI và dầu Brent biến động trái chiều, trong đó giá dầu WTI ghi nhận mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/1, giữa lúc thị trường lo ngại về kế hoạch lãi suất của Fed và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Sau đó, giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/2, do căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang ở Trung Đông và Đông Âu. Tuy nhiên, đà tăng này bị hạn chế phần nào do các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của Fed.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 14/2, giá dầu thế giới giảm 1 USD/thùng khi lượng dầu dự trữ tại Mỹ tăng cao đẩy giá đi xuống. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 12 triệu thùng lên 439,5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích về mức tăng 2,6 triệu thùng giữa bối cảnh hoạt động lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Sang phiên giao dịch 15/2, giá dầu thế giới lại tăng hơn 1% sau khi số liệu bán lẻ của Mỹ gây ra tình trạng bán tháo đồng USD.
Nền kinh tế Mỹ vẫn tiến lên phía trước trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ sáu tăng trưởng liên tiếp. Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm ngoái rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.
Nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được thể trạng tốt như thế một phần lớn là nhờ chi tiêu hộ gia đình, yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế nước này, vẫn mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức. Chính sách kích thích của chính phủ đã giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch và sự leo thang của lạm phát. Và giờ đây, sự gia tăng tiền lương đang giúp họ ứng phó với tình trạng giá hàng hóa và dịch vụ cao.
Báo cáo được công bố ngày 15/2 cho thấy có ít người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu hơn trong tuần trước. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất khỏe mạnh, bất chấp làn sóng sa thải gây chú ý trong thời gian gần đây. Sự vững mạnh của thị trường lao động đang góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ, và giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể loại bỏ nguy cơ suy thoái. Lạm phát có thể tăng trở lại. Những lo ngại về khối nợ lớn của Chính phủ Mỹ có thể chi phối các thị trường tài chính, từ đó dẫn đến các khoản vay để mua ô tô và các tài sản khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, tình trạng thua lỗ gia tăng liên quan đến lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là một vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính.
Giới phân tích cho rằng nhiều đặc điểm của riêng nền kinh tế Mỹ đã giúp nước này tránh được các cơn bão suy thoái. Chính phủ Mỹ đã cung cấp khoảng 5.000 tỷ USD hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch 2020-2021, cao hơn nhiều so với các nước khác. Chính sách này đã giúp các hộ gia đình duy trì thể trạng tài chính tốt hơn nhiều và hỗ trợ hoạt động chi tiêu tiêu dùng khi bước sang năm 2023.
Về phần mình, ông Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích thị trường của công ty môi giới tài chính City Index và Forex.com, cho biết giá dầu biến động liên tục trong tuần này, một phần vì sức mạnh của đồng USD đã kìm hãm đà tăng của dầu. Theo ông, đồng USD đang giằng co với các động lực thúc đẩy giá dầu như tình hình ở Trung Đông, sự can thiệp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những hy vọng rằng tình hình kinh tế ở Trung Quốc sẽ cải thiện trong những quý tới. Dù vậy, chuyên gia này cho rằng các yếu tố thúc đẩy giá dầu vẫn lấn át vì không có nhiều tác động tiêu cực đối với giá “vàng đen”.
Giá dầu WTI khép phiên 16/2 ở trên mức mà ông Razaqzada xem là ngưỡng kháng cự khoảng 78 USD/thùng. Diễn biến này có thể đưa giá dầu tiếp tục tăng mạnh hướng đến mức 80 USD/thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên mức đỉnh vào năm 2030. Còn OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trong hai thập kỷ tới.
Trong báo cáo được công bố ngày 13/2, OPEC dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025, không đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)