Đức khánh thành nhà máy sản xuất xăng máy bay 'xanh' đầu tiên
02:03 SA @ Thứ Ba - 05 Tháng Mười, 2021

Một nhà máy sản xuất xăng máy bay trung hòa carbon đã được khánh thành tại Đức. Đây là bước đầu tiên trong quá trình phát triển loại nhiên liệu này ở Đức, nhằm giảm lượng khí thải carbon của ngành hàng không theo các mục tiêu về khí hậu.

Ông Dietrich Brockhagen, chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Atmosfair, cho biết: “Đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới sản xuất xăng trung hòa carbon trên quy mô công nghiệp”.

Nhà máy sẽ sản xuất nhiên liệu máy bay từ các năng lượng tái tạo như điện mặt trời hoặc năng lượng gió, được sản xuất tại chỗ và lưu trữ bằng công nghệ hydro.

Một phần nguyên liệu thô khác sẽ đến từ một nhà máy khí sinh học, cũng có mặt trong khu vực.

Xăng máy bay "xanh", được sản xuất từ năng lượng tái tạo hoặc sinh khối, là một trong những con đường để khử carbon trong lĩnh vực hàng không, chịu trách nhiệm cho 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu, theo Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Hành động Khí hậu.

Svenja Schulze, Bộ trưởng Bộ Môi trường Đức, có mặt tại lễ khánh thành cho biết: “Để nước Đức đạt được mức trung hòa carbon, ngành hàng không cũng phải đóng góp”.

Nhưng loại nhiên liệu này vẫn đắt gấp mười lần so với xăng máy bay có nguồn gốc hóa thạch và vẫn còn lâu mới có thể cạnh tranh để chuyển sang quy mô công nghiệp.

Sản lượng của nhà máy mới, dự kiến bắt đầu vào quý đầu tiên của năm 2022, sẽ chỉ đạt một tấn mỗi ngày.

Tuy nhiên, Đức đã đặt mục tiêu, trong tổng mức tiêu thụ nhiên liệu hàng không, xăng máy bay “xanh” đạt được 0,5% thị phần, tương đương 50.000 tấn mỗi năm, kể từ năm 2026. Từ năm 2030, năng lực sản xuất phải đạt 200.000 tấn, theo mục tiêu của chính phủ.

“Do đó, chúng tôi sẽ phải mở rộng đáng kể năng lực của mình và phát triển công nghệ để đạt được những mục tiêu này”, Thủ tướng Angela Merkel cho biết trong một thông điệp video được gửi tới lễ khánh thành nhà máy. "Việc khánh thành nhà máy này là một sự kiện quan trọng", bà Merkel khẳng định.

Đức gần đây đã phải nâng cao các mục tiêu về khí hậu và hiện có ý định đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2045, so với mốc 2050 trước đó, sau một quyết định của Tòa án Hiến pháp chỉ trích sự thiếu tham vọng của các cơ quan công quyền.

Nguồn: