Ngày 12/11, Bộ trưởng Tài chính Ecuador Fausto Herrera tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này sẽ không ký thêm các hợp đồng mới về bán dầu thô trả trước với Trung Quốc, Thái Lan và dự tính hủy một hợp đồng dạng này trị giá 1,2 tỷ USD dành cho năm tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Từ năm 2009, Quito đã ký với Bắc Kinh 6 hợp đồng bán dầu thô trả trước, theo hình thức tín dụng trả bằng dầu khí, và bắt đầu ký các thỏa thuận tương tự với Bangkok từ đầu năm nay.
Các khoản tín dụng này có mức lãi suất trên 6% và nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng các hợp đồng loại này đã không còn mang lại lợi nhuận cho nước xuất khẩu dầu khi giá cả của mặt hàng này đang xuống quá thấp.
Kể từ khi Ecuador tuyên bố không trả nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào năm 2008, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp tín dụng chính cho quốc gia Nam Mỹ này và kể cả khi không còn các hợp đồng mua dầu trả trước, Quito vẫn sẽ nhận từ Bắc Kinh 1,5 tỷ USD tín dụng ưu đãi trong năm tới.
Ông Herrera cho biết thay vì dầu khí, Chính phủ Ecuador sẽ trang trải các nghĩa vụ tài chính bằng tiền nhằm cải thiện chỉ số tín nhiệm của nền kinh tế Ecuador và qua đó giúp nước này phát hành trái phiếu có tổng mệnh giá 1 tỷ USD thuận lợi hơn.
Là thành viên “nhỏ” nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mỗi ngày Ecuador sản xuất khoảng 540.000 thùng./
TIN KHÁC
OPEC khẳng định dầu mỏ vẫn là trụ cột năng lượng toàn cầu đến 2050(11/07/2025)
Giá dầu giảm hơn 2% do áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ(11/07/2025)
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên 9/7 khi giới đầu tư cân nhắc dữ liệu nhu cầu xăng tại Mỹ ở mức cao, cùng với các vụ tấn công tàu thuyền tại Biển Đỏ.(10/07/2025)
Mỹ điều chỉnh giảm dự báo sản lượng dầu năm 2025(09/07/2025)
Ukraine đề xuất trao mỏ khí đốt, cơ sở lọc dầu lớn nhất quốc gia cho Mỹ(09/07/2025)