Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang xem xét áp trần giá đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng từ 65-70 USD/thùng.
Một cơ sở khai thác dầu ở Izhevsk, gần Ural (Nga). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo một quan chức ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), các đại sứ 27 nước thành viên EU đang thảo luận về đề xuất trên. Các nước thành viên của khối vẫn bất đồng, khi một số đưa ra mức giá thấp hơn nhiều và số khác lại muốn áp mức cao hơn.
Ba Lan, Lithuania và Estonia cho rằng mức giá theo đề xuất là quá cao, trong khi Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta cho rằng quá thấp. Điều này có nghĩa G7 phải hướng tới một mức trung bình.
G7, EU và Australia được cho là sẽ áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu bằng đường biển của Nga vào ngày 5/12.
Động thái trên nằm trong các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine nhằm làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga.
Khoảng 70-85% lượng dầu xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu, thay vì bằng đường ống.
Đề xuất áp trần giá là để ngăn chặn các công ty vận tải biển, bảo hiểm và tái bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho Nga, trừ phi dầu được bán với giá không quá mức tối đa mà G7 và các nước đồng minh đặt ra.
Do các công ty vận tải biển và bảo hiểm chủ chốt của thế giới được đặt tại các nước trong G7, trần giá sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong việc bán dầu, mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước này, chiếm khoảng 10% nguồn cung của thế giới, với mức giá cao hơn.
Trong khi đó, do chi phí sản xuất ước tính khoảng 20 USD/thùng, Nga có lợi nhuận khi bán với giá trần và đó là cách đề ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu./.
TIN KHÁC
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)
Giá dầu giảm hơn 2 USD sau thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah(26/11/2024)
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)