Giá dầu giảm tuần thứ ba liên tiếp sau những phiên đầy biến động
11:52 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Mười Một, 2021

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 12/11, đồng thời đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp do lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tàu chở khí hóa lỏng Ob River trên vùng Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 70 xu (tương đương 0,8%) xuống 82,17 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) để mất 80 xu (1%) xuống 80,79 USD/thùng.

Cả hai điểm chuẩn đều giảm trong tuần thứ ba liên tiếp, do đồng USD mạnh lên và những đồn đoán rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể mở kho dự trữ dầu chiến lược để hạ nhiệt giá năng lượng.

Trong phiên giao dịch đầu tuần 8/11, giá dầu thế giới tăng khi những tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã hỗ trợ triển vọng nhu cầu năng lượng. Kết thúc phiên này, giá dầu WTI tăng 68 xu Mỹ (0,84%), lên 81,95 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tiến 71 xu Mỹ (0,83%), lên 83,44 USD/thùng.

Sang phiên 9/11, giá dầu thế giới lên mức cao nhất của hai tuần sau khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế đi lại và những dấu hiệu khác về sự phục hồi sau đại dịch trên toàn cầu đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu, dù cho nguồn cung vẫn hạn hẹp. Giá dầu Brent tăng tới 1,35 USD (1,6%) lên 84,78 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 2,22 USD (2,7%) lên 84,15 USD/thùng. Giá hai loại dầu này đều ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 26/10.

Nhưng giá dầu thế giới quay đầu giảm trong phiên 10/11, do đồng USD tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang tìm cách giảm chi phí năng lượng trước sự leo thang của lạm phát. Phiên này, giá dầu Brent mất tới 2,14 USD (2,5%) xuống 82,64 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 2,81 USD (3,3%) xuống còn 81,34 USD/thùng.

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên ngày 11/11, bất chấp đà tăng của đồng USD cùng với lo ngại về sự gia tăng lạm phát tại Mỹ. Ngay cả việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo nhu cầu dầu trong năm 2021 do giá dầu cao cũng không cản được xu hướng đi lên của giá “vàng đen” trong phiên này. Cuối phiên, giá dầu WTI tăng 23 xu lên 82,87 USD/thùng, thoát khỏi mức thấp nhất ghi nhận trong phiên là 80,20 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tiến 25 xu lên 81,59 USD/thùng.

Với mức giảm trong phiên 12/11, giá dầu Brent kỳ hạn tuần này giảm 0,7%, trong khi dầu WTI để mất 0,6%.

Bà Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết tuần giao dịch vừa qua là một lời nhắc nhở cho các thị trường dầu rằng: Giá không chỉ bị ảnh hưởng bởi quỹ đạo cung - cầu, mà còn từ các dự báo chính sách tiền tệ và các hình thức can thiệp của chính phủ.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm hồi đầu tuần cho biết rằng Tổng thống Biden có thể sớm hành động để giải quyết tình trạng giá xăng dầu tăng vọt.

Chuyên gia của Rystad Energy cũng nhấn mạnh lãi suất cao hơn sẽ cung cấp hỗ trợ nhiều hơn nữa cho đồng USD, song lại gây nhiều áp lực giảm lên giá dầu.

Các công ty năng lượng Mỹ đã tăng thêm số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ ba liên tiếp. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số giàn khoan tại Mỹ, một chỉ số ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã tăng thêm 6 giàn lên 556 giàn trong tuần tính đến ngày 12/11. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay.

Một thông tin khác được thị trường chú ý là Rosneft của Nga - công ty dầu mỏ lớn thứ hai thế giới về sản lượng chỉ xếp sau Saudi Aramco - hôm 12/11 đã cảnh báo về một "siêu chu kỳ" tiềm năng trên thị trường năng lượng toàn cầu. Những đánh giá đó làm tăng hy vọng giá thậm chí sẽ còn lên cao hơn khi nhu cầu vượt xa nguồn cung.

Tuy nhiên, mặc dù có những dấu hiệu tích cực từ phía cầu với hoạt động đi lại bằng đường hàng không tăng nhanh, chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn cùng mùa đông Bắc bán cầu sắp đến sẽ hạn chế bớt sự hào hứng trên thị trường năng lượng.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong quý IV của thế giới khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng trước, do giá năng lượng cao hạn chế đà phục hồi từ đại dịch COVID-19.

OPEC, Nga và các nhà sản xuất lớn ngoài khối khác (còn được gọi là nhóm OPEC+) đã nhất trí vào tuần trước để triển khai kế hoạch bổ sung 400.000 thùng dầu mỗi ngày vào nguồn cung ra thị trường mỗi tháng.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới năng lượng PVM đánh giá thị trường dầu đang rơi vào trạng thái dư thừa nguồn cung mà không hề hay biết. Theo ông Brennock, OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối ít nhất sẽ phải tạm dừng việc nới lỏng hạn chế nguồn cung trong năm mới. Việc không hành động có thể khiến kho dự trữ dầu toàn cầu tăng một lần nữa./.

Nguồn: