Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 15/11
02:06 SA @ Thứ Ba - 16 Tháng Mười Một, 2021

Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 15/11, khi giới đầu tư băn khoăn liệu nguồn cung dầu thô có tăng hay không.
Bên cạnh đó, câu hỏi về việc liệu nhu cầu có chịu nhiều áp lực bởi chi phí năng lượng lên cao, đồng USD mạnh và diễn biến khó lường của dịch COVID-19 cũng tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này.

Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 15/11. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 12 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống 82,05 USD/thùng. Ngược lại, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8 xu Mỹ (0,1%) lên 80,88 USD/thùng.

Ông John Kilduff, quản lý cấp cao của công ty môi giới đầu tư Again Capital LLC ở New York (Mỹ) cho hay trong thời gian đầu phiên giao dịch, thị trường đã dự đoán chính phủ của Tổng thống Joe Biden có thể mở Kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ để kiềm chế giá dầu tăng cao. Nhưng sự hoài nghi về cách tiếp cận đó đã giúp giá dầu WTI tăng cao hơn.

Một yếu tố khác tác động lên thị trường năng lượng trong phiên này là việc đồng USD đạt mức cao nhất trong 16 tháng so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác, khi các nhà đầu tư lo lắng về nền kinh tế toàn cầu. Việc đồng USD mạnh hơn sẽ khiến giá dầu trở nên đắt đỏ đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Theo công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy (Na Uy), sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 12/2021 dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch là 8,68 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể đang chậm lại do số ca mắc COVID-19 tăng cao và lạm phát “phi mã”.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Louise Dickson của Rystad Energy cho biết thị trường hiện dường như ít lo ngại hơn về vấn đề khan hiếm nguồn cung, vì đa phần đều nhận định tình trạng này chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Thay vào đó, các nhà giao dịch đang tập trung vào sự trở lại của hai yếu tố có thể gây sức ép giảm giá - khả năng nguồn cung dầu mở rộng và số ca mắc COVID-19 tăng cao hơn.

Củng cố cho nhận định này, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei mới đây đã đánh giá có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu sẽ thặng dư trong quý I/2022./.

Nguồn: