Trong phiên giao dịch 7/6, giá dầu thế giới tăng khoảng 1% nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia.
Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/ TTXVN
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 66 xu Mỹ (0,9%) lên 76,95 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao dịch kỳ hạn tăng 79 xu Mỹ (1,1%) lên 72,53 USD/thùng.
Trong phiên đầu tuần, giá cả hai loại dầu trên đều tăng hơn 1 USD sau khi Saudi Arabia thông báo giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 450.000 thùng, trái ngược với ước tính tăng 1 triệu thùng. Trong khi đó, lượng dự trữ dầu diesel tăng 5,1 triệu thùng, dự trữ xăng cũng tăng vượt dự kiến 2,8 triệu thùng. Dự trữ nhiên liệu tăng bất ngờ làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ của quốc gia sử dụng dầu hàng đầu thế giới.
Đầu phiên này, giá dầu đã giảm sau số liệu yếu kém về kinh tế Trung Quốc.
Trong tháng 5/2023, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tốc nhanh hơn nhiều so với dự kiến, nhập khẩu cũng kéo dài đà giảm khi triển vọng đối với nhu cầu toàn cầu ảm đạm, đặc biệt là từ các nước phát triển. Số liệu này đang làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Số liệu thống kê cũng cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng lên mức cao trong tháng Năm do các nhà máy lọc dầu tích trữ hàng tồn kho./.
TIN KHÁC
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)
Giá dầu giảm hơn 2 USD sau thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah(26/11/2024)
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)