IEA dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức khoảng 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022.
Giá dầu thế giới giao dịch ngược chiều nhau phiên 16/11 do triển vọng về lượng dầu tại các kho dự trữ trên thế giới thắt chặt lại bị “lấn át” bởi dự báo sản lượng dầu sẽ tăng trong những tháng tới và lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng tại châu Âu.
Giá dầu thế giới đi ngược chiều phiên 16/11. Ảnh: TTXVN phát
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 38 xu Mỹ (0,5%) lên 82,43 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 12 xu Mỹ (0,2%) xuống 80,76 USD/thùng.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank cho hay nguồn cung trên thị trường dầu sẽ vẫn hạn chế trong ngắn hạn, qua đó hỗ trợ cho giá.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của tập đoàn Trafigura Group Jeremy Weir cho rằng sự thắt chặt tại thị trường dầu thế giới là do nhu cầu quay trở lại mức trước đại dịch.
Sản lượng dầu từ lưu vực Permian của Texas được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 4,953 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2021.
Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng trong tuần thứ tư liên tiếp, trong đó các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters dự báo sẽ tăng khoảng 1,4 triệu thùng trong tuần trước.
Báo cáo về tình hình nguồn cung từ Viện Xăng Dầu Mỹ (API) dự kiến được công bố vào cuối ngày 16/11.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đà tăng trên thị trường dầu có thể chậm lại do giá cao có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất, đặt biệt là tại Mỹ.
IEA dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức khoảng 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022. Trong khi theo hãng thông tấn TASS, tập đoàn dầu khí Rosneft dự đoán loại dầu này có thể chạm mức 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.
Tổng thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo dự kiến nguồn cung dư thừa có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 12/2021 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới.
Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, trong bối cảnh giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Lo lắng về nhu cầu sụt giảm cũng gây áp lực khi châu Âu một lần nữa trở thành “tâm” dịch COVID-19, khiến một số nước xem xét áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, trong khi đó Trung Quốc đang chống chọi với sự lây lan của đợt bùng phát lớn nhất do biến thể Delta gây ra.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xem xét “khai thác” các kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ để hạ nhiệt giá dầu đang tăng. Tuy nhiên, quyền người đứng đầu Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết việc giải phóng dầu từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược Mỹ (SPR) có thể sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đến thị trường dầu mỏ.
Bên cạnh đó, đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 16 tháng so với rổ tiền tệ sau số liệu về doanh số bán lẻ khả quan của Mỹ. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)