Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh), cho biết giá dầu đi xuống trước lập trường cứng rắn của Fed đối với chính sách tiền tệ.
Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong ngày 15/12 trong bối cảnh các nhà giao dịch quan ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu do đồng USD mạnh hơn và các đợt tăng lãi suất tiếp theo của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Giá dầu thế giới đi xuống sau khi ECB và BoE tăng lãi suất. Ảnh: TTXVN phát
Sau khi tăng trong ba phiên liên tiếp, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,49 USD (1,8%) xuống 81,21 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,17 USD (1,5%) xuống 76,11 USD/thùng.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ), cho hay giá dầu thô sụt giảm khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt tiến hành tăng lãi suất. Đợt tăng giá gần đây của dầu đã bị “bốc hơi” do những quan ngại ngày càng lớn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 14/12 cho biết ngân hàng ngày sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, ngay cả khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ngày 15/12, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh), cho biết giá dầu đang chịu sức ép trước lập trường cứng rắn của Fed đối với chính sách tiền tệ, làm dấy lên những lo ngại mới về tăng trưởng kinh tế, nâng giá đồng USD và khiến giá hàng hóa giảm.
Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người sử dụng các loại tiền tệ khác.
Doanh số bán lẻ của Mỹ cũng giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 11, song chi tiêu của người tiêu dùng vẫn được hỗ trợ nhờ thị trường lao động thắt chặt, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhiều nhất trong 5 tháng vào tuần trước.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã sụt giảm nhiều hơn trong tháng 11 khi sản lượng của các nhà máy chậm lại và doanh số bán lẻ tiếp tục giảm, ghi nhận mức tồi tệ nhất trong 6 tháng, do số ca mắc COVID-19 gia tăng và các biện pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan lan rộng.
Một yếu tố khác cũng gây áp lực lên giá dầu là Tập đoàn Năng lượng TC của Canada cho biết họ đang nối lại hoạt động trong một phần của đường ống Keystone, một tuần sau vụ rò rỉ hơn 14.000 thùng dầu ở Kansas gây ra sự cố ngừng hoạt động./.
TIN KHÁC
OPEC+ không thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện hành(03/10/2024)
Nhiên liệu Ấn Độ được săn đón khi nguồn cung toàn cầu khan hiếm(02/10/2024)
Giá dầu tăng vọt 3% sau khi Iran phóng tên lửa vào Israel(02/10/2024)
Giá dầu giảm 17% trong quý III/2024(01/10/2024)
EU và các đồng minh tìm cách siết chặt trừng phạt đối với dầu mỏ Nga(27/09/2024)