Giá dầu thế giới giảm hơn 5% trước tín hiệu tích cực về đàm phán Nga-Ukraine
02:26 SA @ Thứ Ba - 15 Tháng Ba, 2022

Kaushal Ramesh, nhà phân tích thuộc công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết giá dầu giảm do kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong cuộc đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine.

Giá dầu thế giới giảm hơn 5% trong phiên ngày 14/3 xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần trong bối cảnh thị trường hy vọng về một tiến triển ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng giữa Nga-Ukraine, một diễn biến sẽ thúc đẩy nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, lệnh cấm đi lại liên quan đến dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang làm dấy lên nghi ngại về vấn đề nhu cầu.

Giá dầu thế giới giảm hơn 5% trước tín hiệu tích cực về đàm phán Nga-Ukraine. Ảnh: TTXVN phát

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 5,77 USD/thùng (5,1%) xuống 106,90 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 6,32 USD/thùng (5,8%) xuống 103,01 USD/thùng.

Đây là mức đóng phiên thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 28/2 và của dầu Brent kể từ ngày 1/3. Giá hai loại dầu chủ chốt này đã bắt đầu tăng mạnh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 và đã tăng gần 36% kể từ đầu năm đến nay.

Kaushal Ramesh, nhà phân tích thuộc công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết giá dầu giảm do kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong cuộc đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine.

Các phái đoàn của Nga và Ukraine đã tổ chức một cuộc đàm phán trực tuyến hôm 14/3 song không có tiến triển mới nào được đưa ra.

Các nhà phân tích tại tập đoàn tư vấn năng lượng EBW Analytics (Mỹ) lưu ý rằng một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới tại Trung Quốc đang dẫn đến tình trạng phong tỏa tại một tỉnh ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc, điều này có thể làm giảm nhu cầu năng lượng trên toàn cầu do Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than lớn nhất thế giới.

Hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dẫn nguồn tin thân cận cho biết sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga tính đến thời điểm này đã tăng lên 11,12 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022, bất chấp các lệnh trừng phạt.

Mỹ đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và Anh cho biết sẽ loại dần dầu Nga từ nay đến cuối năm 2022. Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu.

Một quan chức cấp cao cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cố gắng thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu, trong khi Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol thúc giục các nước sản xuất dầu bơm thêm dầu.

Gần đây, Ấn Độ cho biết nước này có thể giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ quốc gia. Các quan chức Ấn Độ cũng cho biết New Delhi đang xem xét đề nghị mua dầu thô và các mặt hàng khác của Nga với giá chiết khấu.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết Mỹ cần phải đưa ra quyết định để hoàn tất một thỏa thuận nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới. Một số người lo ngại cuộc đàm phán có thể "đổ vỡ" và 49/50 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân mới.

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này, điều này sẽ làm tăng giá đồng USD, qua đó có thể đẩy giá dầu xuống do dầu được định giá bằng "đồng bạc xanh" sẽ trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền tệ khác./.

Nguồn: