Sau khi lập “đỉnh” liên tiếp trong hai phiên giao dịch 18 và 19/3, thị trường dầu đã không thể duy trì được “sức nóng” trong các phiên còn lại của tuần qua.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ WTI đều giảm gần 1%.
Nhìn lại phiên 18/3, giá dầu thế giới tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 4 tháng, giữa bối cảnh xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh hơn. Tại phiên này, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2023 và giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2023.
Sang đến phiên 19/3, giá dầu thế giới lập đỉnh của 5 tháng khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi những tác động gần đây của các cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Nga đối với nguồn cung toàn cầu. Chỉ trong tháng này, có ít nhất 7 nhà máy lọc dầu của Nga đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Các cuộc tấn công này đã làm giảm công suất lọc dầu của Nga 7%, tương đương khoảng 370.500 thùng/ngày.
Giá dầu thế giới đã bắt đầu xu hướng giảm từ phiên 20/3, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25-5,50%. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất khoảng 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm 2024.
Đến phiên 21/3, nhu cầu xăng yếu hơn của Mỹ và các báo cáo về dự thảo nghị quyết của Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi ngừng bắn ở dải Gaza là các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường “vàng đen”.
Trong khi đó, tình hình căng thẳng ở châu Âu và số lượng giàn khoan ở Mỹ giảm đã giúp hạn chế đà đi xuống của giá dầu trong phiên cuối tuần 22/3. Khép phiên này, giá dầu Brent giao tháng 5/2024 giảm 35 xu xuống 85,43 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 44 xu xuống 80,63 USD/thùng.
Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho biết thị trường đang theo dõi những diễn biến tại Gaza vào cuối tuần.
Tối 22/3 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp khẩn cấp để bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết do phái đoàn Mỹ đề xuất, trong đó đề cập tới sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và bền vững tại Dải Gaza. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết, trong khi Anh bỏ phiếu trắng đối với dự thảo này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ tin tưởng các cuộc đàm phán tại Qatar - trong đó tập trung vào lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, trả tự do cho 40 con tin Israel và hàng trăm người Palestine đang bị giam giữ - vẫn có thể đạt được.
Trong khi đó, đồng USD hướng đến tuần tăng mạnh thứ hai sau khi Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ bất ngờ cắt giảm lãi suất. Đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu dầu.
Theo dữ liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 1 giàn xuống 509 giàn trong tuần này, dấu hiệu cho thấy nguồn cung trong tương lai có thể thấp hơn.
Căng thẳng ở Đông Âu, đặc biệt là những diễn biến leo thang trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng là một trong những nhân tố hạn chế đà giảm của giá dầu.
TIN KHÁC
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)
Mỹ siết tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ lít xăng dầu(20/11/2024)