Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch 17/2, khi các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran bước vào giai đoạn cuối cùng.
Một cơ sở khai thác dầu tại Cotulla, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch 17/2, khi các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran bước vào giai đoạn cuối cùng, tạo điều kiện tăng thêm nguồn cung dầu thô. Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu trong phiên này bị hạn chế do căng thẳng giữa nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine vẫn tiếp diễn.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,90 USD (2%), xuống 91,76 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 1,84 USD (1,9%), xuống 92,97 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu tiêu chuẩn này đều tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 vào đầu tuần và đều tiếp tục đối mặt với tình trạng bù hoãn bán (backwardation). Đây là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng kỳ hạn hay một hợp đồng tương lai được giao dịch thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn, giữa bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt.
Nhà phân tích Stephen Brennock từ công ty môi giới PVM Oil (Vương quốc Anh) cho biết, thị trường dầu mỏ đang bị “mắc kẹt” trong cuộc chiến giằng co giữa lệnh trừng phạt Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân và căng thẳng Nga-Ukraine.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường tại OANDA cho biết: “Giá dầu có thể đã ở mức ba con số nếu không có các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran”. Ông Erlam lưu ý rằng một thỏa thuận giữa hai bên có thể dẫn tới việc "tái gia nhập" thị trường của khoảng 1,3 triệu thùng dầu/ngày từ Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết, Mỹ đang trong "giai đoạn cuối cùng" của các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran, nhằm cứu vãn thỏa thuận năm 2015 và hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran.
Hàn Quốc hôm 16/2 cho biết họ đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc nối lại nhập khẩu dầu thô của Iran và giải phóng các quỹ của Iran. Hàn Quốc trước đây là một trong những khách hàng mua dầu hàng đầu của Iran ở châu Á.
Tuy nhiên, căng thẳng về khả năng Nga thực hiện hành động quân sự liên quan tới Ukraine tiếp tục hỗ trợ các thị trường dầu mỏ do nguồn cung năng lượng có thể bị gián đoạn, cho dù Nga phủ nhận kế hoạch này./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)