Theo số liệu của công ty phần mềm và dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ), tính trong tuần qua, giá dầu WTI giảm gần 5,5%, còn giá dầu Brent giảm 4,6%.
Một trạm bán xăng của Tập đoàn Exxon ở Plano, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong phiên giao dịch cuối tuần 11/3, giá dầu thế giới tăng khi các nhà giao dịch đánh giá về nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu do Mỹ tăng cường sức ép nhằm buộc Nga dừng cuộc xung đột tại Ukraine.
Mỹ và các đối tác sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, một động thái sẽ làm tăng thuế quan đánh vào hàng hóa của Nga.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư tăng 3,31 USD, hay 3,1%, lên chốt phiên ở mức 109,33 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Năm tăng 3,34 USD, hay 3,1%, lên 112,67 USD/thùng.
Còn trong phiên 10/3, giá dầu giảm trong bối cảnh rủi ro từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 4/2022 giảm 2,68 USD (2,5%) xuống 106,02 USD/thùng, còn tại London, giá dầu Brent giao tháng 5/2022 cũng giảm 1,81 USD (1,6%) xuống 109,33 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu đảo chiều đi xuống trong phiên 9/3, ghi nhận mức giảm sâu nhất trong gần hai năm qua sau khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bơm thêm dầu ra thị trường nhằm bù đắp vào sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga do căng thẳng với Ukraine.
Kết thúc phiên này, giá dầu WTI giao kỳ hạn giảm 15,44 USD (12,5%) xuống 108,70 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng hạ 16,84 USD (13,12%), xuống 111,14 USD/thùng.
Giá dầu thế giới khép phiên 8/3 với mức tăng 4% trong bối cảnh Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga và Vương quốc Anh cho biết sẽ có động thái tương tự vào cuối năm nay.
Các quyết định này được cho là sẽ khiến nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu ngày càng thắt chặt do Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới. Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 3,6% lên 123,70 USD/thùng.
Còn trong phiên 7/3, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi Mỹ và các nước châu Âu xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga còn nguồn cung dầu thô từ Iran chưa có dấu hiệu sớm trở lại thị trường toàn cầu. Phiên này, giá dầu Brent tăng 5,1 USD (tương đương 4,3%) lên 123,21 USD/thùng. Giá dầu WTI tiến 3,72 USD (3,2%) lên 119,40 USD/thùng.
Theo số liệu của công ty phần mềm và dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ), tính trong tuần qua, giá dầu WTI giảm gần 5,5%, còn giá dầu Brent giảm 4,6%.
Giá dầu giảm trong cả tuần khi những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga trong tương lai gần đã phần nào giảm đi. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/3 khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu năng lượng. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẵn sàng giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ nếu cần.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định giá dầu sẽ vẫn ở mức cao ít nhất là trong tương lai gần và nhiều tổ chức đã điều chỉnh tăng dự báo giá dầu. Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Commerzbank Research (Đức) cho rằng giá dầu sẽ ở mức trên 100 USD/thùng trong quý II/2022, trong khi mức dự báo trước đó là 85 USD/thùng./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)