Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 2/2, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,37 USD (tương đương 1,7%) xuống 77,33 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI mất 1,54 USD (tương đương 2%) còn 72,28 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đi xuống trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần này, qua đó ghi nhận mức giảm khoảng 7% trong cả tuần qua, sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ đã làm giảm khả năng hạ lãi suất trong tương lai gần ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu thô.
Điểm sáng duy nhất của thị trường năng lượng trong tuần này là phiên 30/1, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã lấn át những lo ngại về nhu cầu dầu của Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc là một “đòn giáng” mạnh vào niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu, với dữ liệu trước đó cho thấy hoạt động đầu tư tại Trung Quốc chậm hơn dự kiến.
Ông John Kilduff, đối tác tại công ty đầu tư Again Capital LLC, cho biết: “Tình hình ở Trung Quốc là trở ngại lớn nhất đối với toàn bộ thị trường”.
Một cuộc khảo sát nhà máy chính thức đưa ra ngày 31/1 cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 1/2024.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn để lấy lại động lực. Thông tin này xuất hiện vài ngày sau khi một tòa án của Hong Kong (Trung Quốc) ra lệnh thanh lý tài sản của nhà phát triển bất động sản đang ngập trong nợ Evergrande. Lĩnh vực bất động sản chiếm 25% GDP của Trung Quốc.
Các nhà dự báo lớn, trong đó có Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận thấy nhu cầu dầu sẽ tăng vào năm 2024 chủ yếu nhờ hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết tính đến thời điểm hiện tại, số liệu mới nhất từ Trung Quốc có thể gây trở ngại cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Bên cạnh đó, căng thẳng tạm lắng ở Trung Đông cũng khiến giá dầu “hạ nhiệt”. Bộ Ngoại giao Qatar tối 1/2 thông báo, phiến quân Hamas đã bước đầu chấp nhận thỏa thuận trao trả con tin do Qatar và Ai Cập đề xuất, nhờ đó giao tranh tại Dải Gaza sẽ tạm dừng trong một thời gian để đổi lấy việc trả tự do cho một số con tin.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 2/2, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,37 USD (tương đương 1,7%) xuống 77,33 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI mất 1,54 USD (tương đương 2%) còn 72,28 USD/thùng.
Lãi suất cao, vốn có xu hướng làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu, ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dường như sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian tới.
Dữ liệu vào ngày 2/2 cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong tháng 1/2024 so với dự báo, làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong ngắn hạn. Kết quả là đồng USD bật tăng so với các đối thủ tiền tệ khác.
Góp phần khiến giá dầu suy giảm là tình trạng tạm ngừng hoạt động tại nhà máy lọc dầu công suất 435.000 thùng/ngày của BP ở Whiting, Indiana, sau khi mất điện làm gián đoạn hoạt động vào ngày 1/2.
Nguồn điện tại nhà máy lọc dầu đã được khôi phục vào giữa trưa ngày 2/2, nhưng nhiều nguồn tin cho biết BP vẫn chưa ấn định ngày khởi động lại nhà máy. Bên cạnh đó, dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ, một chỉ báo sớm về nguồn cung trong tương lai, ổn định ở mức 499 giàn trong tuần này.
Bên kia Đại Tây Dương, một nhà hoạch định chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho rằng còn quá sớm để hạ lãi suất ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Mối lo ngại về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn tồn tại, với việc IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống 4.6% vào năm 2024 và giảm thêm trong trung hạn xuống còn 3.5% trong năm 2028.
Việc tạm dừng xung đột tại Trung Đông có thể xoa dịu rủi ro an ninh đang rình rập trên các tuyến đường vận chuyển hàng hải ở khu vực Biển Đỏ, vốn là chìa khóa quan trọng đối với dòng chảy năng lượng toàn cầu.
Vào ngày 1/2, các nguồn tin cho biết OPEC và các đồng minh, gọi chung là nhóm OPEC+, đã giữ chính sách sản lượng không thay đổi. Nhóm này sẽ quyết định vào tháng 3/2024 xem có nên gia hạn việc cắt giảm tự nguyện đang được áp dụng trong quý I hay không.
Trong khi đó, HSBC Global Research dự báo giá dầu thô Brent sẽ duy trì ở biên độ 75-85 USD/thùng trong trung hạn, do năng lực sản xuất dự phòng của OPEC+ đủ để ứng phó với mọi rủi ro địa chính trị.
OPEC+ sẽ chứng kiến công suất sản xuất dự phòng của khối này tăng từ 4,3 triệu thùng/ngày hồi cuối năm 2024 lên mức 4,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2024, qua đó đủ để duy trì ổn định giá dầu thế giới. Các nhà phân tích đánh giá “những gián đoạn thương mại vì bất ổn trên Biển Đỏ hiện nay chỉ khiến giá dầu chịu thêm một khoản chi phí nhỏ, chứ chưa gây ra bất kỳ sự đứt gãy nguồn cung nào tới thời điểm này”.
TIN KHÁC
Trung Đông sắp rơi vào trận chiến dầu mỏ?(11/10/2024)
Giá dầu thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của bão ở Mỹ và căng thẳng Trung Đông(11/10/2024)
Nguyên nhân khiến EIA hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới(10/10/2024)
Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh kéo giá dầu đi xuống(10/10/2024)
Giá dầu thế giới giảm hơn 4%(09/10/2024)