Giá dầu thế giới giảm hơn 1 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 29/1, do lĩnh vực bất động sản yếu kém của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Điều này khiến các nhà giao dịch phải đánh giá lại rủi ro nguồn cung do căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Cuối phiên này, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 1,15 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 82,40 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao kỳ hạn giảm 1,23 USD, hay 1,6%, ở mức 76,78 USD/thùng.
Giá của cả hai loại dầu này đều được chốt ở mức giảm lần đầu tiên sau bốn phiên, khi sự chú ý chuyển sang lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc, nơi cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc với việc tòa án Hong Kong (Trung Quốc) ra lệnh thanh lý tài sản của tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group.
Cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc là một “đòn giáng” mạnh vào niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu, với dữ liệu trước đó cho thấy hoạt động đầu tư tại Trung Quốc chậm hơn dự kiến.
Ông John Kilduff, đối tác tại công ty đầu tư Again Capital LLC, cho biết: “Tình hình ở Trung Quốc là trở ngại lớn nhất đối với toàn bộ thị trường”. Cả hai loại dầu này đều tăng giá khoảng 1,5% vào đầu phiên giao dịch 29/1, với giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023, sau khi một tàu chở nhiên liệu bị trúng tên lửa ở Biển Đỏ và quân đội Mỹ bị tấn công ở Jordan gần biên giới Syria. Sự kiện này đánh dấu sự leo thang căng thẳng lớn đang “nhấn chìm” Trung Đông. Tuy nhiên, sau tin tức từ Trung Quốc, một số người tham gia thị trường đã đặt câu hỏi về mức phí bảo hiểm rủi ro sẽ là bao nhiêu vì nguồn cung dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng Trung Đông.
Trong khi đó, lãi suất cao kéo dài cũng là tâm điểm chú ý sau khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu không thể đạt được sự đồng thuận về thời điểm nên cắt giảm lãi suất.
Nga có khả năng cắt giảm xuất khẩu naphtha, một nguyên liệu hóa dầu, từ 127.500 đến 136.000 thùng mỗi ngày - khoảng 1/3 tổng lượng xuất khẩu của nước này - sau khi hỏa hoạn làm gián đoạn hoạt động tại các nhà máy lọc dầu ở Baltic và Biển Đen.
Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ dự kiến sẽ giảm trong tuần trước, trong khi tồn kho xăng có thể tăng.
TIN KHÁC
Aramco: Thị trường dầu mỏ thế giới đang ở trạng thái cân bằng(30/10/2024)
Mỹ gặp áp lực tài chính trong nỗ lực bổ sung Kho dự trữ dầu chiến lược(30/10/2024)
Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống(30/10/2024)
PetroChina đóng cửa nhà máy lọc dầu lớn nhất(29/10/2024)
Mexico cung cấp dầu hỗ trợ Cuba giải quyết khó khăn năng lượng(29/10/2024)