Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên đầy biến động ngày 6/6, khi Saudi Arabia nâng giá dầu thô tháng Bảy, nhưng cũng có những nghi ngại rằng OPEC+ sẽ không xoa dịu được nguồn cung thắt chặt.
Giá dầu thế giới không giữ được mốc 120 USD/thùng trong phiên 6/6. Ảnh: TTXVN
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 21 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 119,51 USD/thùng sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong phiên là 121,95 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 37 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 118,50 USD/thùng sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong ba tháng qua là 120,99 USD/thùng.
Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) tháng Bảy đối với dầu thô nhẹ Arab của nước này được xuất sang châu Á thêm 2,10 USD so với giá tháng Sáu lên gần bằng mức giá cao nhất từ trước đến nay ghi nhận hồi tháng Năm.
Quyết định tăng giá này diễn ra sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tuần trước đã nhất trí tăng sản lượng tháng Bảy và tháng Tám thêm 648.000 thùng/ngày, tức nhiều hơn 50% so với mức tăng trước đó, nhưng tình hình căng thẳng trong năng lực lọc dầu toàn cầu vẫn khiến giá dầu tăng lên.
Mức tăng mục tiêu nói trên được chia cho tất cả các thành viên OPEC+, nhưng nhiều nước trong số đó chỉ còn rất ít khả năng tăng sản lượng, trong khi Nga còn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vì chỉ còn rất ít nước trong OPEC+ có năng lực sản xuất dư thừa, nên các chuyên gia của ngân hàng JP Morgan (Mỹ) dự đoán sản lượng của khối này sẽ chỉ tăng khoảng 160.000 thùng/ngày trong tháng Bảy và 170.000 thùng/ngày trong tháng Tám./.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)
Giá dầu giảm hơn 2 USD sau thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah(26/11/2024)