Giá dầu thế giới tiếp tục chuỗi giao dịch không ổn định, khi Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) xem xét việc áp mức giá trần đối với dầu của Nga cao hơn mức thị trường hiện tại.
Giá dầu thế giới phiên 23/11 mất hơn 3% khi G7 cân nhắc mức giá trần đối với dầu Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 giảm 2,95 USD (tương đương 3,3%) xuống 85,41 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng mất 3,01 USD (3,7%) xuống 77,94 USD/thùng.
Yếu tố chính tác động tới giá "vàng đen" trong phiên này là các báo cáo rằng mức trần giá G7 muốn áp lên dầu của Nga có thể cao hơn mức loại dầu này đang giao dịch.
Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày 23/11 cho hay các quốc gia G7 đang xem xét mức giá trần khoảng 65-70 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Trong khi đó, số liệu của công ty theo dõi thị trường Refinitiv cho thấy dầu thô Urals của Nga giao đến khu vực Tây Bắc Âu đang giao dịch quanh mức 62 - 63 USD/thùng. Giá dầu giao đến khu vực Địa Trung Hải cao hơn là khoảng 67 - 68 USD/thùng.
Theo giới quan sát, với các ước tính rằng chi phí sản xuất dầu tại Nga chỉ vào khoảng 20 USD/thùng, mức trần nêu trên vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho nước này và giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết rằng mức giá trần có thể sẽ được điều chỉnh một vài lần trong năm.
Thông tin cũng ảnh hưởng lớn tới thị trường trong phiên này là báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho hay lượng xăng dự trữ của Mỹ đã tăng 3,1 triệu thùng trong tuần trước. Con số này vượt xa mức tăng 383.000 thùng mà các nhà phân tích đã dự báo trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Price Futures, cho biết việc tăng lượng xăng dự trữ là một cú sốc. Vì điều này có thể cho thấy nhu cầu nhiên liệu suy yếu hoặc xăng sẽ tăng giá mạnh trước kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Số liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,7 triệu thùng, cao hơn hẳn so với kỳ vọng giảm 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu sức ép từ lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh, khiến trung tâm tài chính Thượng Hải phải thắt chặt các quy định phòng dịch vào cuối ngày thứ Ba.
Tăng thêm áp lực là việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu vào năm tới.
Nhà phân tích Tamas Varga tại công ty môi giới đầu tư PVM Oil Associates cho biết nhìn theo hướng tích cực, OECD không dự đoán về một cuộc suy thoái toàn cầu. Điều này có thể đã giúp giá “vàng đen” hạn chế đà giảm phần nào trong phiên 23/11./.
TIN KHÁC
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)
Giá dầu giảm hơn 2 USD sau thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah(26/11/2024)
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)