Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 13/12, khi thị trường lo ngại về tình hình dịch COVID-19 sau khi xuất hiện những nghi ngờ về hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Omicron.
Giá dầu thế giới phiên 13/12 đi xuống trước nỗi lo về đại dịch. Ảnh: TTXVN phát
Phiên này, giá dầu Brentgiao kỳ hạn giảm 76 xu Mỹ (tương đương 1,0%) xuống 74,39 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lùi 38 xu Mỹ (0,5%) xuống 71,29 USD/thùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã được báo cáo tại hơn 60 quốc gia và có nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu. Hiện đã có một số bằng chứng cho thấy nó có thể tránh né sự bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19.
Tính đến hiện tại, ít nhất đã có một người tử vong ở nước Anh sau khi bị nhiễm biến thể Omicron. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do biến thể này được xác nhận công khai trên toàn cầu.
Trong khi đó tại Trung Quốc, một tỉnh quan trọng là Chiết Giang đã phát hiện cụm lâu nhiễm COVID-19 đầu tiên của mình trong năm nay, với hàng trăm nghìn công dân hiện phải cách ly.
Ông Bob Yawger, người đứng đầu mảng thị trường năng lượng của chi nhánh New York (Mỹ) thuộc ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường dầu có thể chịu áp lực khá lớn nếu dịch COVID-19 lan rộng ra một cách không được kiểm soát ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng ngày đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý đầu tiên của năm 2022. Song tổ chức này vẫn giữ nguyên ước tính tăng trưởng cả năm, đồng thời cho biết biến thể Omicron sẽ có tác động “nhẹ” khi thế giới quen với việc xử lý đại dịch COVID-19.
OPEC và các nhà sản xuất lớn (còn gọi là nhóm OPEC+) sẽ nhóm họp vào ngày 4/1/2022 để quyết định về chính sách sản lượng của họ.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết thị trường dầu mỏ có thể đối mặt với một giai đoạn nguy hiểm khi các khoản đầu tư vào thăm dò và khoan mới suy giảm. Điều này đang đe dọa làm giảm sản lượng dầu thô khoảng 30 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Trong tuần này, các nhà giao dịch cũng sẽ tập trung vào các cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục
Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Trọng tâm chú ý sẽ ở việc liệu các ngân hàng có tạm dừng sớm các gói kích thích kinh tế được triển khai trong mùa dịch hay không./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)