Giá dầu thế giới phiên 8/2 rời khỏi mức 'đỉnh' của 7 năm
02:08 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Hai, 2022

Theo Robert Yawger, từ nay đến tháng 7/2022, cả dầu Brent và WTI sẽ giảm ít nhất 1 USD/thùng so với tháng trước.

Giá dầu thế giới giảm hơn 2% trong phiên 8/2, rời khỏi mức đỉnh của 7 năm đạt được gần đây trong bối cảnh việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran có thể hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân quốc tế và cho phép có nhiều dầu xuất khẩu hơn từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Một thỏa thuận mà có thể giúp thị trường có thêm hơn một triệu thùng dầu của Iran mỗi ngày, nâng nguồn cung toàn cầu lên khoảng 1%. Các cuộc đàm phán hạt nhân đã được nối lại tại Vienna (Áo) trong ngày 8/2.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,9 USD (2,1%) xuống 90,78 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,96 USD (2,1%) xuống 89,36 USD/thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt này có thể phải đối mặt với sự sụt giảm lớn trong những tháng tới. Theo Robert Yawger, giám đốc điều hành phụ trách các mặt hàng năng lượng giao dịch kỳ hạn của tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) cho hay, từ nay đến tháng 7/2022, cả dầu Brent và WTI sẽ giảm ít nhất 1 USD/thùng so với tháng trước.

Trong phiên 7/2, giá dầu Brent đã tăng lên 94 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, còn giá dầu WTI chạm mức 93,17 USD/thùng hôm 4/2, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết Chính phủ Mỹ đang cố gắng điều chỉnh giá dầu bằng cách khẩn trương đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Iran đều có thể mang lại nhiều dầu thô và các sản phẩm chưng cất hơn trong vòng 4 đến 6 tháng tới.

Giá dầu đã tăng do nhu cầu toàn cầu gia tăng, căng thẳng Nga-Ukraine, gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất như Libya và việc các nước trong và ngoài OPEC, hay còn gọi là OPEC+ chậm nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục đạt được năm 2020.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) hôm 8/2 rằng sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng lên 12 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và 12,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023 so với mức 11,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Giá dầu cũng chịu thêm sức ép từ triển vọng lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ tăng lên. Các nhà phân tích dự đoán lượng dầu dự trữ mới nhất của Mỹ sẽ tăng 400.000 thùng trong tuần tính đến ngày 4/2.

Viện Xăng Dầu Mỹ (API) sẽ công bố báo cáo lượng dầu dự trữ vào cuối ngày 8/2 (theo giờ địa phương).

Giá dầu cũng giảm khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng Ukraine diễn biến nghiêm trọng hơn./.

Nguồn: