Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch 4/5, khi Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch loại bỏ dần dầu nhập khẩu từ Nga, làm dấy lên lo ngại về sự thắt chặt hơn nữa của thị trường.
Giá dầu thế giới tăng 5 USD/thùng trước kế hoạch cấm dầu Nga của EU. Ảnh: TTXVN
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 5,17 USD, hay 4,9%, lên 110,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,4 USD, hay 5,3%, và đóng phiên ở mức 107,81 USD/thùng.
Tại một phiên họp của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào “xứ Bạch dương” do vấn đề Ukraine, trong đó khẳng định EU sẽ loại bỏ các loại năng lượng từ Nga với lộ trình sáu tháng đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm.
Theo đề xuất của bà Von der Leyen, Hungary và Slovakia, hai nước đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu từ Nga, sẽ có thể tiếp tục mua dầu thô từ Nga đến cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện tại.
Giá dầu thô đã tăng đều trong hai tháng qua sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Cho đến nay, EU không muốn cắt đứt hoàn toàn nguồn dầu khí nhập khẩu từ Nga, và kế hoạch lần này của khối cũng chưa phải là một lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả các nước thành viên.
Châu Âu nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu từ Nga mỗi ngày, và còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ nước này.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản Price Futures Group (Mỹ), cho rằng trong bối cảnh các kho dự trữ năng lượng đang rất thắt chặt như hiện nay, có nhiều câu hỏi đặt ra về việc châu Âu sẽ bù đắp cho nguồn cung trên như thế nào.
Nhu cầu tăng cường các nguồn cung dầu có thể sẽ không được đáp ứng tại cuộc họp ngày 5/5 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, khi khối này được dự đoán sẽ duy trì kế hoạch tăng dần sản lượng hàng tháng của mình.
Trong khi đó, tại Mỹ, Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này chỉ tăng nhẹ 1,2 triệu thùng trong tuần trước.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này phần nào bị hạn chế bởi thông báo nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát.
Lãi suất tăng sẽ khiến đồng USD mạnh lên và làm giảm nhu cầu dầu, vì đồng USD tăng giá sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)