Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 15/2, sau khi số liệu bán lẻ của Mỹ gây ra tình trạng bán tháo đồng USD.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,26 USD, hay 1,5%, lên 82,86 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,39 USD, hay 1,8%, lên 78,03 USD/thùng.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã giảm khoảng 0,3% sau số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán trong tháng Một. Đồng USD suy yếu thường thúc đẩy giá dầu vì nó khiến loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD này trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/2 công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ giảm 0,8% trong tháng 1/2023. Số liệu của tháng 12/2023 được điều chỉnh từ mức tăng 0,6% xuống 0,4%.
Số liệu trên đã khiến thị trường lạc quan về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong thời gian tới. Đây là một diễn biến có lợi cho nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này phần nào bị hạn chế bởi một báo cáo ngày 15/2 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu đang dần mất đà, khiến IEA phải hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm 2024 từ 1,24 triệu thùng/ngày xuống 1,22 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, thông tin cho biết hai nền kinh tế lớn là Anh và Nhật Bản rơi vào suy thoái cũng đè nặng lên giá dầu trong phiên này. Kinh tế Anh đã suy thoái trong nửa cuối năm 2023, với mức giảm 0,3% trong quý IV và 0,1% trong quý III. Trong khi đó, Nhật Bản cũng bất ngờ rơi vào suy thoái vào cuối năm ngoái và để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)