Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên 27/9
02:09 SA @ Thứ Tư - 28 Tháng Chín, 2022

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên giao dịch 27/9, từ mức thấp nhất 9 tháng ghi nhận vào phiên trước đó.

Cơ sở lọc dầu Antipensky của Nga. Ảnh:TASS/TTXVN
Cơ sở lọc dầu Antipensky của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên giao dịch 27/9, từ mức thấp nhất 9 tháng ghi nhận vào phiên trước đó, hỗ trợ bởi sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực Vịnh Mexico nước Mỹ trước cơn bão Ian và đồng USD giảm nhẹ từ mức “đỉnh” 20 năm.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 1,79 USD (2,3%), lên 78,50 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 2,21 USD (2,6%), lên 86,27 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022 là 83,65 USD/thùng vào phiên trước đó.

Giá dầu trong phiên này cũng được hỗ trợ bởi dự đoán của các chuyên gia phân tích về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, được gọi là OPEC+, có thể hành động để chặn đà giảm giá dầu bằng cách cắt giảm nguồn cung. Cuộc họp của OPEC+ về chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 5/10 tới.

Các nhà sản xuất dầu ngoài khơi của Mỹ cho biết họ đang theo dõi đường đi của cơn bão Ian, giữa bối cảnh sức mạnh của cơn bão khi nó hướng về bang Florida đã khiến khoảng 11% sản lượng dầu ở Vịnh Mexico của Mỹ bị gián đoạn.

Robert Yawger, Giám đốc mảng năng lượng của công ty chứng khoán Mizuho Securities (Mỹ) cho biết sản lượng dầu của Mỹ sẽ sớm hồi phục sau bão, song cũng có khả năng nhỏ cơn bão sẽ thay đổi đường đi và buộc nhiều nhà máy lọc dầu phải đóng cửa hơn.

Giá dầu thô đã tăng vọt sau khi diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, với giá dầu Brent gần đạt mức cao nhất mọi thời đại là 147 USD/thùng vào tháng Ba. Gần đây, những lo ngại về suy thoái, lãi suất cao và sức mạnh của đồng USD đã tác động mạnh tới thị trường năng lượng.

Chuyên gia phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM (Vương quốc Anh) nhận định: “Dầu hiện đang chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tài chính. Trong khi đó, đà phục hồi do bão Ian gây ra ở vùng Vịnh nước Mỹ chỉ được xem là một hiện tượng tạm thời”.

Đồng USD tạm “hạ nhiệt” từ mức cao nhất trong 20 năm, qua đó cũng hỗ trợ cho giá dầu. Đồng USD mạnh hơn làm dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác và có xu hướng gây áp lực cho các tài sản rủi ro.

Đà sụt giảm giá dầu trong những tháng gần đây đã làm dấy lên suy đoán rằng OPEC+ có thể can thiệp vào thị trường. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq ngày 25/9 cho biết, OPEC+ đang theo dõi giá dầu và không muốn chứng kiến mức tăng mạnh hay giảm mạnh.

Giovanni Staunovo và Wayne Gordon thuộc ngân hàng Thụy Sỹ UBS cho biết: “Chỉ một đợt cắt giảm sản lượng của OPEC + có thể phá vỡ đà tiêu cực trong ngắn hạn”./.

Nguồn: