Giá dầu thế giới tuần qua tăng mạnh trong bối cảnh không chắc chắn về tốc độ tăng lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, việc Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu của Nga và khả năng Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế phòng dịch đã tiếp sức cho đà tăng của thị trường.
Trong ảnh: Cơ sở khai thác dầu ở Izhevsk, gần Ural (Nga). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Phiên đầu tuần (31/10), giá dầu thế giới giảm do đồn đoán sản lượng của Mỹ có thể tăng và việc nới rộng quy định về COVID-19 của nước này đã đè nặng lên nhu cầu "vàng đen". Tuy nhiên, giá dầu đã bắt đầu khởi sắc trong ngày 1/11 dựa vào tâm lý lạc quan rằng Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể mở cửa trở lại. Nhà phân tích Phil Flynn tại công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group (Mỹ) nhận định thị trường đang phản ứng tích cực với triển vọng mở cửa của Trung Quốc sau khi có tin nước này đang xem xét nới lỏng chính sách "Zero COVID".
Đà tăng giá dầu vẫn được giữ vững trong phiên 2/11 ngay cả khi các tài sản rủi ro khác giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư trong năm 2022. Yếu tố tích cực là kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 3,1 triệu thùng trong tuần trước.
Đồng USD mạnh lên nhờ Fed tăng lãi suất đã gây áp lực lên thị trường dầu mỏ trong phiên 3/11, bên cạnh lo ngại rằng một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm năng có tác động đến nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, đà giảm của dầu đã bị hạn chế do lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi EU cấm vận dầu mỏ Nga trong khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng lên.
Tâm lý tích cực này kéo dài sang phiên cuối tuần 4/11, với giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần nhờ những kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ), cho biết nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã bị hạn chế, nhưng nếu nền kinh tế mở cửa trở lại, giá dầu có thể tăng cao hơn bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông nói thêm: "Có quá nhiều rủi ro địa chính trị có thể giữ cho quỹ đạo giá dầu cao hơn, và nếu đồng USD tiếp tục suy yếu, sức mạnh của dầu có thể được duy trì.
Cụ thể, khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2022 tăng 4,44 USD (5%) lên 92,61 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 3,99 USD và đóng cửa ở mức 98,57 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 4,7% trong khi giá dầu Brent tăng 2,9%.
Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn đang triển khai các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sau khi các ca nhiễm mới trong ngày 3/11 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022, song một cựu quan chức kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cho biết những thay đổi đáng kể đối với chính sách COVID-19 của nước này sẽ sớm diễn ra.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu có phần hạn chế do các tín hiệu về quy mô cũng như tốc độ tăng lãi suất của Mỹ. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% vào tháng 10, cho thấy một số điều kiện của thị trường lao động có thể khiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin cùng ngày cho biết ông sẵn sàng hành động "có cân nhắc" hơn khi xem xét tốc độ tăng lãi suất của Mỹ trong tương lai, nhưng cho biết lãi suất có thể tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn và lên mức cao hơn dự kiến trước đây.
Ông John Kilduff - chuyên gia của công ty quản lý vốn Again Capital LLC (Mỹ)- cho biết, đồn đoán về việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đã thúc đẩy giá dầu tăng, nhưng các đại diện khác nhau của Fed đã nói rõ rằng tiến trình tăng lãi suất còn dài và thị trường dầu nhạy cảm hơn với vấn đề này.
Trong khi lo ngại về nhu cầu đè nặng lên thị trường, nguồn cung dự kiến sẽ vẫn eo hẹp do các lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu và sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM Oil Associates (Vương quốc Anh) cho biết: "Sự suy yếu nhẹ của đồng USD, lệnh cấm vận đối với dầu của Nga chắc chắn sẽ là yếu tố hỗ trợ (giá dầu) vì sự quan tâm của thị trường đang chuyển từ lo ngại suy thoái sang các vấn đề gây thiếu cung".
Lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. Chi tiết về việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga hiện vẫn đang được thảo luận.
Về phía nhu cầu dầu mỏ, các nhà quan sát cũng lưu ý, lo ngại về suy thoái ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã tăng lên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết còn "rất sớm" để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất. Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu ANZ Research (Australia) cho biết trong một ghi chú: "Bóng ma về việc tăng lãi suất tiếp tục làm lu mờ hy vọng rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng".
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) mới đây cảnh báo rằng nước Anh đã bước vào suy thoái và nền kinh tế có thể không tăng trưởng trong hai năm tới.
Tuần tới, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo đánh giá triển vọng thị trường năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2022 của Mỹ để có cái nhìn sâu sắc hơn về tốc độ tăng lạm phát cũng như xu hướng lãi suất sắp tới./.
TIN KHÁC
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)
Giá dầu giảm hơn 2 USD sau thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah(26/11/2024)
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)