Giá dầu đảo ngược mức giảm đầu phiên, khi thị trường băn khoăn về việc các nền kinh tế lớn sẽ "giải phóng" bao nhiêu dầu từ nguồn dự trữ và điều đó sẽ giúp bớt áp lực về nhu cầu ra sao.
Giá dầu thế giới vượt lên mức thấp sáu tuần trong phiên 18/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 96 xu Mỹ (tương đương 1,2%) lên mức 81,24 USD/thùng, sau khi rơi xuống mức thấp kể từ ngày 7/10 là 79,28 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn đóng cửa tăng 65 xu Mỹ (0,8%) lên 79,01 USD/thùng. Loại dầu này hồi đầu phiên cũng đã giảm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 ở mức 77,08 USD/thùng.
Vào đầu phiên 18/11, giá dầu đã giảm mạnh khi Trung Quốc cho biết sẽ chuyển sang khai thác kho dự trữ dầu chiến lược. Tuy phía Trung Quốc không đưa ra bình luận gì về yêu cầu của Mỹ, động thái này được đưa ra sau khi hôm 17/11 có thông tin Chính phủ Mỹ đang kêu gọi các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xem xét "giải phóng" kho dự trữ chiến lược để kiểm soát giá năng lượng.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết theo luật, nước này không thể "giải phóng" dự trữ dầu thô để hạ giá năng lượng. Một quan chức Hàn Quốc cũng cho biết nước này đang xem xét yêu cầu từ phía Chính phủ Mỹ, song nói thêm rằng họ chỉ có thể làm như vậy trong trường hợp mất cân bằng nguồn cung.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới tài chính Price Futures Group cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy sự phản đối trong việc "giải phóng" dầu từ kho dự trữ. Vì vậy thị trường sẽ tiếp tục hồi hộp, bởi vì giới đầu tư đang đề phòng trước một động thái theo kêu gọi của Chính phủ Mỹ.
Giới quan sát cho hay việc "giải phóng" kho dự trữ chiến lược, ngay cả khi chỉ từ Mỹ và Trung Quốc, có thể sẽ khiến giá giảm ít nhất là trong tạm thời.
Giá dầu đã “leo thang” khi nhu cầu tăng vọt nhưng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) quyết định chỉ tăng sản lượng một cách từ từ. Song việc các nước lớn giải phóng kho dự trữ dầu là một thách thức chưa từng có đối với OPEC, vì nó liên quan đến nhà nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc./.
TIN KHÁC
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)