Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới đã chịu nhiều sức ép, trước mối lo ngại về nhu cầu, tiến triển trong đàm phán Nga-Ukraine và quyết định giải phóng lượng dầu kỷ lục của Mỹ.
Xe tiếp nhiên liệu tại một trạm xăng dầu ở Mississauga, Greater Toronto, Canada, ngày 4/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tính chung cả tuần, cả giá dầu Brent lẫn dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều giảm khoảng 13%, ghi dấu mức giảm hàng tuần mạnh nhất trong vòng hai năm.
Trong phiên đầu tuần (28/3), giá dầu giảm khoảng 7% sau khi trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc tiến hành phong tỏa để hạn chế số ca mắc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với nhu cầu dầu. Thượng Hải đã bước vào tình trạng phong tỏa hai giai đoạn đối với 26 triệu dân ở thành phố này trong ngày 28/3, trong nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Các con đường qua cầu và đường hầm đều bị chặn lại, trong khi đường cao tốc bị hạn chế. Ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa trưởng của ngân hàng SEB (Thụy Điển), cho biết nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, được dự đoán sẽ giảm 800.000 thùng/ngày so với mức bình thường trong tháng Tư.
Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 29/3, trước tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhận định các cuộc hòa đàm diễn ra ngày 29/3 giữa các nhà đàm phán của Ukraine và Nga tại Istanbul đánh dấu tiến triển đáng kể nhất trong các cuộc thảo luận giữa hai nước tính tới thời điểm này.
Phát biểu tại Istanbul, ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh hai nước đạt được thỏa hiệp và một nhận thức chung về các vấn đề cụ thể, đồng thời cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine cần phải chấm dứt sớm nhất có thể.
Sau khi đi lên trong phiên giao dịch 30/3, do lo ngại các lệnh trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga, giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 31/3, theo sau thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden về kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) với quy mô lớn chưa từng có tiền lệ và kêu gọi các công ty dầu mỏ đẩy mạnh sản lượng khai thác nhằm tăng cường nguồn cung cho thị trường.
John Kilduff, một đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC (Mỹ) cho biết: "Đây là thời điểm mà mỗi thùng đều có giá trị và (đợt mở kho SPR) đồng nghĩa với một khối lượng dầu đáng kể được đưa vào thị trường trong một thời gian dài".
Ngày 31/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức “chưa từng có tiền lệ” bởi thế giới chưa từng giải phóng lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian lâu như vậy.
Mức giải phóng kho dầu dự trữ này tương đương với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong khoảng hai ngày và đánh dấu lần thứ ba Mỹ mở SPR trong vòng sáu tháng qua.
Trong phiên cuối tuần (1/4), giá dầu tiếp tục giảm khi các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí "bơm" thêm dầu ra thị trường. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 32 xu (0,3%) xuống 104,39 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,01 USD, (1%) xuống 99,27 USD/thùng.
IEA đã kết thúc hội nghị khẩn cấp bộ trưởng trong ngày 1/4 để thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ cũng như đưa ra quyết định về việc cùng giải phóng dầu từ các kho dự trữ chiến lược.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các nước thành viên IEA sẽ tiếp tục đàm phán về một chương trình phối hợp mở kho dự trữ năng lượng. Khối lượng và thời gian của chương trình này có thể được thông qua qua sớm nhất trong vòng một tuần tới.
Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi rằng quyết định giải phóng dầu từ kho dự trữ của Mỹ có thể thay đổi cơ cấu của thị trường trong một thời gian dài. Damien Courvalin, chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định về mặt lý thuyết, đồng thái của Mỹ sẽ giúp ích cho thị trường dầu mỏ, song đây không phải là giải pháp cung cấp dầu mỏ lâu dài cho những năm tới.
Các chuyên gia nhấn mạnh lượng dầu dự trữ Mỹ tung ra thị trường vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dầu thô của Nga. Theo IEA, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong tháng Tư. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung bổ sung từ Mỹ sẽ chỉ thay thế 1/3 sản lượng bị hụt từ Nga.
Trong bối cảnh này, JPMorgan cho biết họ đã giữ nguyên dự báo giá dầu ở mức 114 USD/thùng trong quý II/2022 và 101 USD/thùng trong nửa cuối năm nay./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)