Hungary đang có động thái "trừng phạt" Ukraine vì quốc gia này phong tỏa nguồn cung dầu từ Nga.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 23/7 cho biết Budapest sẽ chặn các khoản tiền mà Liên minh châu Âu (EU) viện trợ Ukraine cho đến khi Kiev nối lại việc lưu thông nguồn cung dầu thô của Nga sang Hungary và Slovakia.
"Chừng nào vấn đề này không được Ukraine giải quyết, mọi người nên quên khoản thanh toán 6,5 tỷ euro của Cơ sở Hòa bình châu Âu dành cho việc chuyển giao vũ khí", ông Szijjarto nói.
Theo ông, việc Ukraine quyết định không cho phép Lukoil vận chuyển dầu qua Ukraine là mối đe dọa cơ bản đối với an ninh năng lượng của Hungary và Slovakia.
Ông cũng nhắc nhở người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, Hungary cùng với Slovakia và Ba Lan đã viện trợ cho Ukraine vào đầu tháng 7, cung cấp đủ nguồn điện để giúp ổn định hệ thống năng lượng của Kiev.
Ông Szijjarto lưu ý, Hungary đã cung cấp 42% lượng điện cho Ukraine trong tháng 6. Tuy nhiên, theo báo cáo chưa được xác nhận từ truyền thông, Ukraine đã ngừng nhận điện từ Slovakia và Romania kể từ đầu tuần.
Kiev đã phải sử dụng nguồn điện nhập khẩu sau khi các cuộc không kích và tên lửa của Nga đã vô hiệu hóa hầu hết năng lực sản xuất điện trong nước của nước này. Moscow cho biết các cuộc tấn công này là sự trả đũa các cuộc tập kích của Ukraine vào cơ sở hạ tầng dân sự của Nga.
Ukraine đã cho ngừng dòng chảy dầu qua đường ống Druzhba vào tuần trước, viện dẫn lý do trừng phạt đối với công ty năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga. Động thái này đã khiến nguồn cung dầu tới hai quốc gia thành viên EU này giảm 30-40%.
Ukraine giải thích, việc đóng băng dòng chảy này là bởi Kiev nhận thấy doanh thu của Lukoil có thể được sử dụng để hỗ trợ quân đội Nga. Tuy nhiên, một nhà lập pháp Ukraine nói với Politico, việc phong tỏa chỉ có mục đích thứ yếu là gây áp lực buộc Hungary thay đổi chính sách trang bị vũ khí cho Kiev.
EU trừng phạt Hungary
Ngày 22/7, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại khối này Josep Borrell thông báo, cuộc họp tiếp theo của các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ vào cuối tháng 8, thay vì tại Hungary - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.
"Chúng ta phải gửi đi một tín hiệu, ngay cả khi đó chỉ là tín hiệu mang tính biểu tượng", một quan chức EU nhấn mạnh.
Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7. Ngay sau đó, Thủ tướng Orban đã đến Ukraine, Nga, Trung Quốc.
Ông tiết lộ, trong các chuyến đi này, ông đã đưa ra đề xuất các bên ngừng bắn để ngồi vào bàn đàm phán. Ông hy vọng có thể hỗ trợ tìm ra "lối thoát ngắn nhất" cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Chuyến đi của ông Orban đến Nga khiến EU phật ý. Giới chức EU tuyên bố, ông Orban không đại diện cho tiếng nói chung của khối. Một nguồn thạo tin cho biết, EU đang cân nhắc cắt ngắn nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary.
Bất chấp phản ứng gay gắt của EU, Thủ tướng Orban cho biết, ông sẽ tiếp tục "sứ mệnh hòa bình".
TIN KHÁC
Trung Đông sắp rơi vào trận chiến dầu mỏ?(11/10/2024)
Giá dầu thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của bão ở Mỹ và căng thẳng Trung Đông(11/10/2024)
Nguyên nhân khiến EIA hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới(10/10/2024)
Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh kéo giá dầu đi xuống(10/10/2024)
Giá dầu thế giới giảm hơn 4%(09/10/2024)