Công ty Pertamina (Indonesia) và Rosneft (Nga) đang thúc đẩy dự án xây dựng nhà máy lọc dầu nói trên ở tỉnh Đông Java để sản xuất nhiên liệu và nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hóa dầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo tờ The Straits Times, Indonesia và Nga sẽ hợp tác trong một số dự án, trong đó có dự án nhà máy lọc dầu trị giá 16 tỷ USD, ngay cả khi phương Tây đang cô lập Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.
Công ty dầu khí Pertamina thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia và Công ty dầu mỏ Rosneft của Nga đang thúc đẩy dự án xây dựng nhà máy lọc dầu nói trên ở tỉnh Đông Java để sản xuất nhiên liệu và nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hóa dầu.
Một quan chức cấp cao chính phủ Indonesia giấu tên cho biết: “Phía Nga đã đàm phán để được miễn thuế. Dự án này vẫn đang được tiến hành."
Pertamina và Rosneft trước đó đã thành lập liên doanh PT Pertamina Rosneft Pengolahan dan Petrokimia có trụ sở tại Jakarta để quản lý nhà máy lọc dầu NGRR với công suất 229.000 thùng xăng, diesel và nhiên liệu máy bay mỗi ngày ở thành phố Tuban, tỉnh Đông Java.
Dự án có tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, trong đó 45% do Rosneft đóng góp. Một khi hoàn thành, dự án sẽ giúp Indonesia giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu vốn đang tăng giá mạnh.
Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã buộc phải bổ sung nhiều khoản trợ cấp năng lượng để giữ giá nhiên liệu ở mức hợp lý, qua đó giữ ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nhiều người trong số 270 triệu dân Indonesia đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.
Để ổn định giá nhiên liệu, Chính phủ Indonesia đã tăng trợ cấp năng lượng trong năm nay lên mức kỷ lục 502.400 tỷ rupiah (khoảng 33,5 tỷ USD), từ mức 152.200 tỷ rupiah theo dự toán ban đầu.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Jakarta mới đây cũng cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị để Tổng công ty Đường sắt Nga đầu tư vào thủ đô mới Nusantara của Indonesia ở tỉnh Đông Kalimantan.
Theo một thông cáo của Đại sứ quán Nga, các công ty năng lượng của nước này cũng muốn đầu tư vào Indonesia, đặc biệt nhằm phát triển năng lượng hạt nhân để cung cấp điện./.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)
Giá dầu giảm hơn 2 USD sau thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah(26/11/2024)