Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 27/7, với dầu Brent lần đầu tiên vượt mốc 84 USD/thùng kể từ tháng 4/2023.
Một cơ sở khai thác dầu tại Qamishli, Syria, ngày 26/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dầu được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ cắt giảm sản lượng và tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc cũng như sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent tăng 1,32 USD (1,6%) lên 84,35 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 1,31 USD (1,7%) lên 80,09 USD/thùng.
Các nhà phân tích của UBS cho biết, thị trường dầu mỏ đang thiếu nguồn cung và giá dầu Brent sẽ có khả năng tăng lên 85-90 USD/thùng trong những tháng tới.
Thị trường ngày càng nghiêng về dự báo rằng các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ và điều này sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena, Illinois nhận định rằng trong môi trường hiện nay, các tài sản rủi ro như dầu mỏ đang trở nên hấp dẫn hơn.
Nhà phân tích Priyanka Sachdeva của Phillip Nova cho biết, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu tăng cường các biện pháp hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế, từ đó làm gia tăng hy vọng về khả năng nhu cầu dầu mỏ phục hồi tại đất nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Thị trường cũng tập trung theo dõi cuộc họp của các Bộ trưởng OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/8, để định hướng kinh doanh trong thời gian tới.
TIN KHÁC
Giá dầu tăng hơn 3% do hoạt động sản xuất gián đoạn(19/11/2024)
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động(15/11/2024)
Thế giới đối mặt với tình trạng dư cung dầu trong năm 2025(15/11/2024)
Nhật Bản tiếp tục trợ cấp giá xăng tới năm 2025(14/11/2024)
Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần(14/11/2024)