Ấn Độ thành lập Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu nhằm thúc đẩy sử dụng các nhiên liệu sạch hơn, hướng đến mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức zero ròng (net zero).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng lãnh đạo của một số nước thành viên sáng lập Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu (GBA) tại lễ ra mắt liên minh này hôm 9-9. Ảnh: NDTV
Trong bài phát biểu tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế lớn G20 ở New Delhi hôm 9-9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo thành lập Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu (GBA). Viết trên X (Twitter trước đây), ông Modi cho biết: “Sự ra mắt của GBA đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực hướng tới sự bền vững và năng lượng sạch của chúng tôi”.
Có 19 nước, trong đó có 7 nước thành viên của G20, gồm Ấn Độ, Argentina, Brazil, Canada, Ý, Nam Phi và Mỹ, đồng ý tham gia GBA. Ngoài ra, GBA còn có sự góp mặt của 12 tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Cơ quan Năng lượng quốc tế, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế…
Trung Quốc và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu như Saudi Arabia và Nga không tham gia liên minh.
GBA sẽ giúp đẩy nhanh các nỗ lực toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải net zero bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ các nguồn bao gồm phế phẩm thực vật và động vật.
GBA cũng sẽ hỗ trợ phát triển và triển khai nhiên liệu sinh học bền vững trên toàn thế giới bằng cách tổ chức các hoạt động xây dựng năng lực trên toàn chuỗi giá trị, hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình quốc gia và thúc đẩy chia sẻ bài học về chính sách.
Tuyên bố chung các nhà lãnh đạo G20 hôm 8-9 nhấn mạnh rằng các nước thành viên “nhận thức được tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học bền vững trong môi trường không phát thải và phát thải thấp”.
Ấn Độ muốn học hỏi kinh nghiệm của Brazil trong việc vận hành phương tiện sử dụng xăng pha trộn ethanol. Nhiên liệu thu được từ sinh khối có thể phục vụ nhiều mục đích. Ấn Độ có thể sử dụng các viên nén gỗ làm từ chất thải nông nghiệp để thay thế một lượng than nhất định trong các nhà máy nhiệt điện.
Động thái xây dựng liên minh nhiên liệu sinh học cũng cố vai trò tiên phong của Ấn Độ trong nỗ lực chống biến đổi khi hậu sau khi nước này cùng Pháp lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế vào năm 2015 nhằm mang năng lượng mặt trời sạch, có giá cả phải chăng đến cho người dân.
Trong thời kỳ cầm quyền kéo dài 9 năm qua của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã bổ sung công suất năng lượng tái tạo với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, New Delhi vẫn dựa vào các nhà máy nhiệt điện than với lý do nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng tăng.
Trong một báo cáo hồi tháng 7, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững toàn cầu sẽ cần tăng gấp ba lần vào năm 2030 để đưa hệ thống năng lượng của thế giới hướng mục tiêu phát thải ròng net zero vào năm 2050.
Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, nhập khẩu khoảng 85% nhu cầu dầu thô, đang tăng tốc xây dựng năng lực sản xuất nhiên liệu sinh học. Ấn Độ có kế hoạch xây dựng 12 nhà máy sản xuất nhiên liệu từ các loại phế thải cây trồng, chất thải thực vật và chất thải rắn đô thị.
Biến sinh khối thành nhiên liệu sẽ giúp Ấn Độ sử dụng hàng nghìn tấn phụ phẩm cây trồng mà nông dân hiện buộc phải đốt mỗi mùa thu hoạch, khiến phần lớn miền bắc Ấn Độ chìm trong khói mù nhiều tuần.
Việc bổ sung ethanol vào nhiên liệu hóa thạch thông thường giúp giảm nhu cầu về dầu thô, thành phần lớn nhất trong hóa đơn nhập khẩu của Ấn Độ. Các công ty lọc dầu của Ấn Độ như Indian Oil và Bharat Petroleum Corp. đang trộn 12% ethanol vào xăng.
Theo IEA, trên toàn cầu, việc sử dụng nhiên liệu sinh học giúp giảm tiêu thụ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2022, tương đương 4% nhu cầu dầu của ngành vận tải toàn cầu. Cơ quan này cho biết hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh trong nước tại các thị trường mới nổi, chủ yếu là Brazil, Ấn Độ và Indonesia, đã giúp họ tiết kiệm 38 tỉ đô la trị giá dầu khô nhập khẩu mỗi năm.
Ấn Độ đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070 và đang mở rộng sử dụng nhiên liệu sinh học trong lĩnh vực giao thông vận tải. New Delhi nâng thời hạn thêm 5 năm, đến năm 2025 để tăng gấp đôi tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học ethanol vào xăng trên toàn quốc lên 20%.
TIN KHÁC
Giá dầu tăng hơn 3% do hoạt động sản xuất gián đoạn(19/11/2024)
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động(15/11/2024)
Thế giới đối mặt với tình trạng dư cung dầu trong năm 2025(15/11/2024)
Nhật Bản tiếp tục trợ cấp giá xăng tới năm 2025(14/11/2024)
Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần(14/11/2024)