Trung Quốc đã mua nhiều dầu thô "giá rẻ như bèo" đến mức gây ra cảnh ách tắc giao thông khi những con tàu chở dầu phải chờ đợi ngoài biển vì không thể "đổ" dầu lên các kho chứa trên đất liền.
Tàu chở dầu Trung Quốc cập cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: AFP/Getty Images
Tính tới ngày 29/6, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ - đã tích trữ tổng cộng 73 triệu thùng dầu trên 59 con tàu khác nhau lênh đênh ngoài khơi bờ biển phía Bắc đất nước.
Thông tin này dựa trên dữ liệu của ClipperData, trang cơ sở dữ liệu chuyên theo dõi dòng chảy của dầu thô trong thời gian thực. Số dầu thô mà Bắc Kinh tích trữ tương đương với 3/4 nhu cầu cho cả hành tinh trong cùng thời gian.
Những thùng dầu được vận chuyển đến Trung Quốc thời điểm này đã được mua từ tháng 3, tháng 4 – khi giá dầu đang lao dốc vì đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên dầu thô Mỹ giao kỳ hạn 5 rơi xuống mức âm (dưới 0 USD/thùng) vào ngày 20/4.
Cái gọi là kho trữ dầu nổi của Trung Quốc - vốn được định nghĩa là những thùng dầu trữ trên những con tàu chờ trong 7 ngày trở lên trên biển - đã tăng gấp gần bốn lần kể từ cuối tháng 5/2020, theo ClipperData. Không chỉ là số lượng kỷ lục từ đầu năm 2015, lượng dầu dự trữ trên biển của Trung Quốc còn tăng gấp 7 lần so với mức trung bình hàng tháng trong quý đầu tiên của năm 2020.
Việc tích trữ dầu trên biển phản ánh hoạt động "săn lùng" dầu giá rẻ của Trung Quốc trong một thời kỳ căng thẳng cực độ trên thị trường năng lượng thế giới. “Trung Quốc đã tham gia một cuộc mua sắm toàn cầu. Thậm chí dầu tích trữ trên biển còn lớn hơn cả trên đất liền”, ông Matt Smith, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ClipperData, cho biết. Chuyên gia Smith lưu ý rằng các bể chứa dầu trên bờ của Trung Quốc thậm chí còn chưa được lấp đầy. “Điều này đơn giản là do tắc nghẽn thiết bị đầu cuối. Dầu thô đã dồn về nhiều đến nỗi họ không thể mang chúng vào bờ đủ nhanh”, Matt Smith nói.
Biểu đồ lượng dầu thô trữ trên biển của Trung Quốc tăng vọt tới 73 triệu thùng vào 29/6. Ảnh: CNN
Giá dầu dao động với biên độ 80 USD
Chính việc tăng cường mua vào dầu thô của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy thị trường dầu mỏ. Chỉ 7 tuần sau khi giá dầu rơi xuống mức -40 USD/thùng, giá dầu thô Mỹ đã bật tăng trở lại ở mức 40 USD/thùng. Mức dao động lên tới 80 USD mỗi thùng được thúc đẩy bởi động thái cắt giảm nguồn cung lớn chưa từng có tiền lệ của OPEC và Nga; làn sóng dỡ bỏ các quy định hạn chế phòng dịch trên khắp thế giới và sức tiêu thụ mạnh mẽ tại Trung Quốc khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Là nền kinh tế lớn số hai thế giới, Trung Quốc lệ thuộc nặng nề vào dầu thô nhập khẩu để duy trì động cơ của nền kinh tế. Đó là lý do tại sao nước này tăng cường tích trữ khi giá dầu toàn cầu rơi xuống đáy.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng vọt 19% trong tháng 5 vừa qua so với cùng kỳ năm trước, sau đó vọt lên mức cao kỷ lục là 11,3 triệu thùng/ngày, theo số liệu của S&P Global Platts. Những lô hàng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc được dự kiến phá cả kỷ lục này trong tháng 6.
Một phần kho dầu giá rẻ khổng lồ mà Trung Quốc tích trữ có nguồn gốc từ khu vực Mỹ Latinh.
Theo ClipperData, Brazil là nguồn cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho các kho trữ nổi của Trung Quốc. Thường thì mất khoảng một tháng rưỡi để dầu thô được vận chuyển bằng tàu biển từ Brazil tới Trung Quốc. Ngoài ra, một phần lớn lượng dầu dự trữ của Trung Quốc được nhập từ Iraq, Saudi Arabia và Nigeria.
Trung Quốc đã tận dụng mạnh mẽ cơ hội giá dầu rẻ để tích trữ. Ảnh: Bloomberg
“Cơn cuồng mua dầu”
Tất nhiên, các quốc gia khác cũng tận dụng cú sốc sập giá dầu để tăng cường kho dự trữ khẩn cấp, tương tự như Trung Quốc.
“Nếu bạn là một người tiêu dùng năng lượng lớn, bạn sẽ mua bằng cả hai tay”, ông Ryan Fitzmaurice nhà chiến lược năng lượng tại Rabobank (Hà Lan), nói.
Khi giá dầu rơi tự do hồi tháng 3/2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết hỗ trợ các nhà sản xuất dầu Mỹ giúp tránh “nguy cơ tổn thất thảm khốc”, với việc mua 30 triệu thùng dầu bổ sung vào Kho Dự trữ Nhiên liệu chiến lược. Động thái này đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách trước đây của chính phủ Mỹ về "xả" dầu từ kho dự trữ với giá thấp.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng dự trữ dầu khổng lồ của Trung Quốc đã bỏ xa phản ứng tích trữ của các quốc gia khác. “Trung Quốc là nước duy nhất mua như điên. Họ đến và mua ở giá đáy”, chuyên gia Smith của ClipperData nhận xét.
Cơ hội chênh lệch giá
Ngoài những lợi thế rõ ràng về an ninh năng lượng, cuộc mua sắm dầu ồ ạt của Trung Quốc còn là sáng kiến thu lợi nhuận khủng. Đó là bởi các thị trường dầu trong mùa xuân vừa qua đã trượt vào tình trạng "bù hoãn mua" (contango) – một hiện tượng xảy ra khi các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cho một loại hàng hóa trong tương lai cao hơn trong hiện tại. Tình huống này tạo ra một cơ hội chênh lệch giá cho những người chơi đã tích trữ dầu thô trong vài tháng và sau đó bán ra với giá cao để kiếm lợi nhuận.
“Chúng tôi bán dầu với giá -40 USD trong khi bạn có thể bán lại với giá 40 USD chỉ một tháng sau?”, Louis Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, nói với CNN.
Biên độ chênh lệch giá dầu lên tới 80 USD/thùng là cơ hội lớn để các nhà đầu tư dầu thô Trung Quốc kiếm lợi nhuận. Ảnh: Getty Images
Trong các tháng 3-4/2020, lúc cao điểm dịch COVID-19, các công ty năng lượng và nhà đầu tư đã sử dụng những con tàu chở dầu đang "chơi dài" vào việc trữ dầu. Điều đó khiến cho giá thuê tàu chở dầu cực lớn (VLCC), với công suất trên 2 triệu thùng, đã tăng hơn gấp đôi lên 15 triệu USD cho một chuyến từ Bờ Vịnh Mỹ tới Trung Quốc vào cuối tháng 4, theo Rystad.
“Bây giờ thì cơn hoảng loạn tích trữ đã qua, không có lý do gì để thuê VLCC tích trữ dầu nữa”, ông Dickson cho biết.
Tất nhiên, rủi ro là cơn khát dầu của Trung Quốc cuối cùng sẽ được thỏa mãn. Hoạt động nhập khẩu đã ở những mức cao kỷ lục. Dầu tích trữ nổi ngoài biển cũng cao hơn mức trung bình rất nhiều, trong khi các thị trường dầu mỏ thì không còn trong tình trạng "bù hoãn mua" nữa.
Chuyên gia Smith của ClipperData nói rằng hoạt động vận chuyển dầu thô tới Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại. “Tương tự như khi hỗ trợ giá dầu trong vài tháng qua, hoạt động vận chuyển dầu có thể diễn ra theo chiều ngược lại trong những tháng tới”, ông Smith nhận định.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)