Lý giải một phần về cuộc khủng hoảng tinh chế dầu mỏ trên thế giới
01:49 SA @ Thứ Sáu - 24 Tháng Sáu, 2022

Các tài xế trên thế giới đang cảm thấy 'đau đầu' ở các trạm bơm với giá nhiên liệu tăng vọt, và chi phí tăng cao cho việc sưởi ấm các tòa nhà, sản xuất điện và sản xuất công nghiệp.

Một cơ sở khai thác dầu ở Baku, Azerbaijan, ngày 19/3/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá cả nhiên liệu tăng trước cả khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine vào ngày 24/2. Tuy nhiên, từ giữa tháng Ba, chi phí nhiên liệu tăng cao trong khi giá dầu thô chỉ tăng mức vừa phải.

Phần lớn nguyên nhân chính là do thiếu công suất lọc dầu tương xứng để tinh chế dầu thô thành xăng và dầu diesel nhằm đáp ứng nhu cầu cao trên toàn cầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), về tổng thể thì công suất lọc dầu thế giới có thể tinh chế khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng khoảng 20% công suất đó không thể sử dụng.

Phần lớn công suất lọc dầu không thể sử dụng được là ở Mỹ Latinh và những nơi khác, vốn thiếu vốn đầu tư. Do đó công suất lọc dầu toàn cầu chỉ vào khoảng 82-83 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp tinh chế dầu ước tính thế giới mất công suất tinh chế tổng cộng là 3,3 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2020. Khoảng 1/3 công suất tinh chế dầu mỏ "mất đi" là ở Mỹ, phần còn lại ở Nga, Trung Quốc và châu Âu.

Nhu cầu nhiên liệu sớm sụt giảm trong thời gian đại dịch khi tình trạng phong tỏa ngừa dịch bệnh lây lan và làm việc từ xa trở nên phổ biến. Trước đó, công suất lọc dầu đã không giảm bất cứ năm nào trong ba thập kỷ qua.

Tính đến tháng 4/2022, công suất lọc dầu hàng ngày là 78 triệu thùng, giảm mạnh so với mức trung bình 82,1 triệu thùng/ngày trước đại dịch. IEA dự báo hoạt động tinh chế dầu sẽ phục hồi vào mùa Hè năm nay khi đạt 81,9 triệu thùng/ngày khi các nhà máy tinh chế dầu của Trung Quốc hoạt động trở lại.

Chi phí vận chuyển hàng ra nước ngoài tăng mạnh do nhu cầu toàn cầu cao cũng với sự đóng góp từ các lệnh trừng phạt đối với các tàu của Nga. Ở châu Âu, các nhà máy lọc dầu hoạt động hạn chế bởi giá khí đốt cao, vốn là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động.

Một số nhà máy tinh chế dầu cũng phụ thuộc vào dầu nhớt như một loại nhiên liệu trung gian. Mất nguồn cung dầu nhớt Nga khiến một số nhà máy không thể khởi động lại các đơn vị sản xuất xăng dầu nhất định.

Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN

Các nhà máy lọc dầu, đặc biệt là các nhà máy xuất khẩu nhiều nhiên liệu sang các quốc gia khác như các nhà máy của Mỹ là những người được hưởng lợi từ tình hình hiện nay.

Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu đã thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu lên mức cao nhất trong lịch sử. Điều này đem lại nguồn lợi nhuận rất lớn cho các công ty, như công ty Valero ở Mỹ và Reliance Industries ở Ấn Độ.

Theo IEA, Ấn Độ, quốc gia tinh chế hơn 5 triệu thùng/ngày, đã nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga để sử dụng trong nước và xuất khẩu. IEA cho biết sản lượng dự kiến sẽ tăng thêm 450.000 thùng/ngày đến cuối năm nay.

Công suất tinh chế dầu mỏ dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa khi nhiều nhà máy lọc dầu tại Trung Đông và châu Á sẽ đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu./.

Nguồn: