Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng giá dầu thế giới hiện tại phản ánh một cách khách quan tình hình thị trường nhiên liệu.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh: Tass
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 sau cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) hôm 4/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow đánh giá thị trường dầu mỏ sẽ ổn định dù vẫn còn rủi ro từ các biến chủng mới. "Chúng tôi cho rằng thị trường dầu thế giới sẽ ổn định trong thời gian tới mặc dù vẫn còn những rủi ro từ đà lây lan của biến thể Delta", Phó Thủ tướng Novak lưu ý.
Theo ông Novak, nhu cầu dầu truyền thống sẽ giảm trong quý IV năm nay. "Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến trên thị trường năng lượng. Nhu cầu dầu mỏ được dự báo sẽ giảm trong quý IV trong khi kế hoạch khai thác năng lượng của Nga chưa có thay đổi. Vì vậy, chúng tôi sẽ điều chỉnh sản xuất nếu thị trường có dấu hiệu mất cân bằng” - Phó Thủ tướng Novak cho hay.
Quan chức Nga cũng nhấn mạnh giá dầu hiện tại (tăng lên mức 82 USD/thùng trong ngày 4/10) đã phản ánh khách quan diễn biến của thị trường, đồng thời lưu ý thêm: “Tổng sản lượng dầu tồn kho đã giảm 364 triệu thùng trong năm rưỡi qua do đại dịch Covid-19. Số liệu này cũng thấp hơn 130 triệu thùng so với mức dầu tồn kho trung bình trong 5 năm gần đây. Điều này sẽ giúp thị trường dầu mỏ cân bằng hơn".
Đánh giá về kết quả cuộc họp chính sách sản lượng của OPEC+, Phó Thủ tướng Novak cho rằng quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu mỏ 400.000 thùng/ngày sẽ giúp ổn định thị trường.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến cùng ngày, nhóm OPEC+ đã nhất trí duy trì sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 tới, bất chấp cảnh báo về sự thâm hụt ngày càng tăng giữa cung và cầu. Cuộc họp chính sách của OPEC+ được tiến hành trong bối cảnh liên minh dầu mỏ đang chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ và Ấn Độ về việc tăng sản lượng sau khi giá dầu thế giới tăng 50% trong năm nay.
Giá “vàng đen” đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong 3 năm khi lên hơn 80 USD/thùng vào tháng trước. Việc giá dầu tăng một mặt có lợi cho các nhà sản xuất bằng cách tăng khối lượng xuất khẩu và doanh thu, mặt khác lại gây ra những hạn chế trong trung hạn vì giá dầu tăng có nguy cơ cản trở đà phục hồi kinh tế vốn mong manh sau đại dịch Covid-19.
Nhận định về quyết định của OPEC+, Helima Croft - người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: “Với quyết định của OPEC+, giá dầu có thể tiếp tục leo dốc mạnh hơn trong bối cảnh gia tăng lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và châu Á”.
Châu Âu và Châu Á bị ảnh hưởng bởi nguồn cung năng lượng thắt chặt khiến giá khí đốt tự nhiên và giá than lên mức cao nhất trong lịch sử.
Trước đó, trong cuộc họp hồi đầu tháng 9, OPEC+ đã thống nhất chủ trương sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu thô theo chính sách đang được áp dụng. Tại cuộc họp trước đó hai tháng, các quan chức OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày ít nhất là đến tháng 4/2022./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)