Ngành dầu mỏ Venezuela đối mặt thách thức mới
09:52 SA @ Thứ Hai - 16 Tháng Chín, 2024

Giá dầu thô toàn cầu giảm có thể gây nguy hiểm cho doanh thu ngoại tệ của Venezuela và khiến lạm phát gia tăng.

Một cơ sở dầu khí ở Venezuela. Ảnh PDVSA
Một cơ sở dầu khí ở Venezuela. Ảnh PDVSA

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đã ghi nhận một mức tăng sản lượng khiêm tốn khác.

Sản lượng trong tháng 8 được đo lường ở mức 874.000 thùng mỗi ngày (bpd) bởi các nguồn thứ cấp trong bản tin hàng tháng mới nhất của OPEC, tăng từ mức 863.000 thùng/ngày vào tháng 7. Con số này thiết lập mức cao mới trong 5 năm khi ngành quan trọng nhất của quốc gia này vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định.

Về phần mình, Công ty Dầu mỏ Nhà nước Venezuela PDVSA đã báo cáo sản lượng tháng 8 là 927.000 thùng/ngày, gần như ngang bằng với mức 928.000 của tháng trước.

Các cơ quan dầu mỏ của quốc gia Caribe này đã nhiều lần đặt mục tiêu 1 triệu thùng/ngày khi ngành này vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Kể từ năm 2017, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính, lệnh cấm vận, các lệnh trừng phạt thứ cấp và một loạt các hạn chế khác nhằm mục đích bóp nghẹt nguồn thu quan trọng nhất của Venezuela.

PDVSA được hưởng lợi từ Giấy phép chung 44, một lệnh miễn trừ kéo dài 6 tháng do chính quyền Biden ban hành vào tháng 10/2023, cho phép mở rộng doanh số bán hàng và vận chuyển hàng hóa mà không phải giảm giá đáng kể hoặc sử dụng các trung gian không đáng tin cậy.

Được biết, Washington đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt sâu rộng vào tháng 4 sau khi cáo buộc rằng chính quyền Nicolás Maduro đã không thực hiện thỏa thuận chính trị với phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn.

Mỹ đã bác bỏ kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela, trong đó ông Maduro giành được nhiệm kỳ sáu năm thứ ba, và ủng hộ tuyên bố chiến thắng của ứng cử viên phe đối lập cứng rắn Edmundo González. Một số thành viên Hạ viện Mỹ đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với quốc gia Nam Mỹ này.

Kể từ khi giấy phép GL44 hết hạn, Bộ Tài chính Mỹ đã kêu gọi các công ty quốc tế phải xin phép trước khi hợp tác với PDVSA, do lo ngại sẽ bị trừng phạt thứ cấp. Gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ Chevron, cùng với các đối tác châu Âu Repsol, Eni và Maurel & Prom, đã được phép tiếp tục hoạt động tại các liên doanh có trụ sở ở Venezuela.

Theo báo cáo, công ty lọc dầu lớn của Ấn Độ Reliance Industries đã nhận được sự chấp thuận để tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Venezuela, với một phần thanh toán dưới dạng cung cấp naphtha. PDVSA cần chất pha loãng này để biến dầu thô siêu nặng thành loại có thể xuất khẩu.

Theo Reuters, công ty ONGC Videsh thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ cũng đang vận động hành lang để được phép tham gia vào hai dự án.

Chính quyền Venezuela ngày càng phụ thuộc vào các đối tác doanh nghiệp để mở rộng khai thác, với các nhà lập pháp đang thúc đẩy các cải cách pháp lý nhằm tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong ngành.

Vào cuối tháng 7, PDVSA đã trao cổ phần liên doanh cho các công ty Trung Quốc là Anhui Erhuan Petroleum Group và Kerui Petroleum. Anhui Erhuan sẽ tham gia vào dự án dầu nhẹ Petrokarinã giữa các bang Anzoátegui và Monagas, trong khi Kerui sẽ khai thác mỏ Ayacucho 2 chưa phát triển ở vành đai dầu mỏ giàu tài nguyên Orinoco.

Không rõ liệu hai công ty này có xin phép Bộ Tài chính Mỹ hay sẽ thách thức các biện pháp trừng phạt.

Bất chấp những rào cản do Mỹ áp đặt đối với các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu dầu thô của Venezuela đã tăng 50% vào tháng trước và đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Reuters đưa tin trung bình mỗi ngày Venezuela xuất khẩu 885.000 thùng dầu thô và nhiên liệu trong tháng 8. Các nhà máy lọc dầu của Tây Ban Nha đã tiếp nhận một lượng lớn dầu thô của Venezuela thông qua các dự án của Repsol tại quốc gia này.

Tuy nhiên, sự cải thiện về sản lượng và doanh số gần đây bị kìm hãm bởi giá dầu giảm, với giá dầu thô Brent chuẩn đã giảm xuống dưới 70 USD vào thứ Ba lần đầu tiên kể từ năm 2021. Theo Bloomberg, con số này thể hiện mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua khi điều chỉnh theo lạm phát.

Giá dầu Merey của Venezuela, mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia này được khách hàng châu Á ưa chuộng, đã giảm từ 67,61 USD xuống còn 62,15 USD một thùng. Mức giá này đã giảm 17% kể từ tháng 4 và thiết lập mức thấp nhất trong 14 tháng.

Tình trạng thiếu hụt ngoại tệ có thể gây căng thẳng cho các chính sách kiểm soát lạm phát của Chính phủ Venezuela. Khoảng cách ngày càng gia tăng giữa tỷ giá hối đoái chính thức và thị trường chợ đen đã khiến Ngân hàng Trung ương Venezuela phải bơm một lượng lớn đô la Mỹ vào hệ thống ngoại hối.

Nhà phân tích Elias Ferrer từ Orinoco Research tuyên bố rằng việc Venezuela giảm giá dầu bán kèm với sự sụt giảm giá dầu khiến đồng tiền mất giá đáng kể “chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Nguồn: