Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ sử dụng các lò phản ứng hạt nhân để giúp chính mình và cả thế giới giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có bài phát biểu tại Guildhall ở London, Anh. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), đối mặt với các cuộc bầu cử vào tháng 7 và giá năng lượng tăng cao đang “bóp nghẹt” ngân sách của cử tri, Thủ tướng Kishida tuyên bố hạt nhân sẽ là một phần trong chính sách năng lượng tương lai của Nhật Bản. Ông cho biết Nhật Bản sẽ mở rộng nguồn cung, thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hạt nhân để đa dạng hóa các nguồn phát điện.
“Chúng tôi sẽ sử dụng các lò phản ứng hạt nhân đảm bảo an toàn để góp phần giúp toàn thế giới giảm phụ thuộc năng lượng Nga. Khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân hiện có sẽ có tác dụng tương đương việc cung cấp 1 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới mỗi năm cho thị trường toàn cầu”, ông Kishida nói.
Kể từ khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa Fukushima hồi năm 2011, Nhật Bản đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga. Theo số liệu của Cơ quan Ngoại thương Nhật Bản, Nga cung cấp 3,6% dầu thô và 8,8% LNG vào năm 2021 cho nước này.
Hơn một thập kỷ sau trận động đất và sóng thần vào tháng 3/2011, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl, năng lượng hạt nhân vẫn là một vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản. Trong số 30 nhà máy ở quốc gia này, chỉ một số ít đang hoạt động. Nhưng phần lớn công chúng và doanh nghiệp muốn chính phủ khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng. Cuộc khủng hoảng Ukraine và chi phí năng lượng tăng vọt đã tạo thêm động lực cho sự thay đổi này.
Hôm 4/5, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda thừa nhận rằng nước này khó hưởng ứng lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Ông Hagiuda cho biết: “Nhật Bản có nguồn lực hạn chế và chúng tôi khó có thể tự đảm bảo nguồn cung cho chính mình ngay lập tức”.
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang đề xuất cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay. Theo ông Hagiuda, để giảm sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản đã đề nghị Mỹ tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đồng thời cho biết Tokyo đang xem xét cung cấp các khoản vay cho các công ty Nhật Bản tham gia vào các dự án LNG của Mỹ.
Trong khi đó, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ huy động khoản đầu tư 150.000 tỷ yên trong thập kỷ tới để đáp ứng các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Ông cũng vạch ra một lộ trình đến năm 2030 tập trung vào việc sử dụng tối đa “định giá carbon vì mục tiêu tăng trưởng” và thúc đẩy các dự án dài hạn.
TIN KHÁC
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)