Trong bối cảnh giá dầu thô tiếp tục neo trên ngưỡng 100 USD/thùng, nhiều quốc gia đã buộc phải giảm thuế, phí và tăng trợ giá nhằm kìm giữ đà tăng sốc của giá các loại nhiên liệu. Các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẽ họp khẩn cấp để lên kế hoạch xả bán lượng lớn dầu từ các kho dự trữ quốc gia nhằm bình ổn giá trên thị trường quốc tế.
Giá các loại dầu thô chính trên thế giới đã liên tục tăng mạnh trong vòng 3 tháng qua (Đồ hoạ: Oil Price)
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng tới 32%, kéo theo đó là giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tại hầu hết các quốc gia tăng mạnh, gây áp lực lớn lên lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế.
Trước tình hình này, nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đang phải áp dụng các biện pháp nhằm kìm giữ giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu ở mức chấp nhận được như: cắt giảm các khoản thuế, phí đối với mặt hàng nhiên liệu trong ngắn hạn, xả bán lượng lớn dầu thô từ các kho dự trữ quốc gia nhằm bình ổn giá hoặc tăng cường tìm kiếm nguồn cung nhằm chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thô có thể tiếp tục còn tăng cao.
Giảm thuế, tăng trợ giá nhằm kìm giữ giá bán lẻ xăng dầu
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan ông Arkhom Termpittayapaisith cho biết việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel khiến doanh thu thuế giảm trước mắt nhưng sẽ giúp kích thích các hoạt động kinh tế và giúp gia tăng nguồn thu thuế trong dài hạn (Ảnh: Bangkok Post)
Cụ thể, ngay từ đầu tháng 2/2022, Chính phủ Thái Lan đã đồng ý giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong vòng 3 tháng, từ mức 5,99 Baht xuống còn 2,99 Baht (tức giảm khoảng 50%). Đồng thời, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng khoản tài chính từ Quỹ Dầu Quốc gia để bình ổn mặt hàng này, giữ giá bán lẻ dầu diesel không vượt quá 30 Baht/lít.
Việc giảm thuế này sẽ khiến doanh thu thuế của Chính phủ Thái Lan giảm khoảng 526 triệu USD nhưng nước này kỳ vọng việc giá nhiên liệu ở mức vừa phải sẽ giúp kích thích các hoạt động kinh tế, từ đó giúp bồi dưỡng, tiến tới gia tăng nguồn thu thuế dài hạn.
Trong ngày 28/2, Chính phủ Pakistan cho biết nước này sẽ hạ khoản thuế Phát triển xăng dầu (PDL) đánh lên các mặt hàng nhiên liệu trong ngắn hạn nhằm kìm giữ đà tăng của giá xăng dầu. Giá nhiên liệu tại Pakistan hiện đang ở mức thấp nhất khu vực Nam Á, chủ yếu do nước này thực thi chính sách trợ cấp trực tiếp quy mô lớn đối với các mặt hàng xăng dầu. Trước đó, Pakistan đã không áp dụng mức thuế GST 17% đối với mặt hàng xăng (tương tự thuế VAT tại Việt Nam) nhằm hạ giá bán lẻ mặt hàng này.
Trong khi đó, tại Philippines, chính phủ nước này dự kiến sẽ tiến hành trợ cấp giá xăng dầu trực tiếp cho khoảng 377.000 tài xế vận hành các phương tiện công cộng thông qua hình thức phát các phiếu giảm giá mua nhiên liệu với tổng trị giá đạt 50 triệu USD. Bộ Nông nghiệp Philippines cũng đang lên kế hoạch đưa ra gói hỗ trợ giá nhiên liệu trị giá 10 triệu USD dành cho nông dân và ngư dân nước này. Mặt khác, giới chức Philippines cho biết đang cân nhắc việc giảm thuế đối với các mặt hàng nhiên liệu.
Còn tại Châu Âu, nhiều quốc gia như Bỉ, Ba Lan… đang kêu gọi Uỷ ban Châu Âu (EC) xem xét việc tạm thời giảm hoặc bỏ khoản thuế VAT đánh lên mặt hàng xăng dầu nhằm giảm áp lực lạm phát trong bối cảnh giá các mặt hàng năng lượng nói riêng và hàng hoá sinh hoạt tại Châu Âu liên tục tăng mạnh thời gian qua. Chính phủ Thuỵ Điển đã đệ trình lên Quốc hội nước này việc xem xét giảm khẩn cấp các loại thuế phí lên mặt hàng xăng dầu và giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người dân khi giá xăng tại đây đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phối hợp mở kho dự trữ dầu
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết Hoa Kỳ đang thảo luận với các quốc gia khác về việc xả bản ra một lượng lớn dầu thô từ kho dự trữ quốc gia nhằm góp phần bình ổn giá mặt hàng này (Ảnh: Associated Press)
Trong ngày 24/2, Nhật Bản và Australia cho biết đã sẵn sàng phối hợp với các quốc gia thành viên khác thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong việc xả bán kho dự trữ dầu thô quốc gia nhằm bình ổn giá trên thị trường quốc tế. Trước đó, Hoa Kỳ đã kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia thành viên IEA trong việc kiềm chế đà tăng nóng của giá nhiên liệu trên toàn cầu. Liên minh Châu Âu cũng khẳng định sẵn sàng tham gia cùng với Hoa Kỳ trong việc xả bán kho dự trữ nhiên liệu.
Trong ngày 1/3 (theo giờ địa phương), IEA sẽ có phiên họp khẩn cấp bộ trưởng của 30 quốc gia thành viên nhằm tìm ra giải pháp đối với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. IEA hiện cho biết tính đến cuối tháng 12/2021, tổng mức dự trữ dầu thô của các quốc gia thành viên đạt 4,16 tỷ thùng, bao gồm 1,5 tỷ thùng dầu nằm tại các kho dự trữ khẩn cấp của các chính phủ.
Nếu các quốc gia thành viên đồng thuận thì đây sẽ là lần đầu tiên IEA can thiệp khẩn cấp thị trường dầu quốc tế kể từ khi chiến tranh tại Libya nổ ra vào năm 2011, đẩy giá dầu thô lúc bấy giờ lên đến đến 118 USD/thùng.
Hãng tin Reuters cho biết Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và Ấn Độ có thể xả bán ra tới 60 triệu thùng dầu thô trong lần này. Trong đó, Hoa Kỳ được cho là sẽ xả bán tới 30 triệu thùng dầu thô và phần còn lại đến từ các quốc gia đồng minh. Hồi tháng 11/2021, Hoa Kỳ đã xả bán ra 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ quốc gia.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tích cực thu mua dầu thô nhằm tăng cường kho dự trữ bất chấp giá dầu thô đang ở mức cao. Nhiều hãng giao dịch dầu thô cho biết các đối tác Trung Quốc đã tăng cường khối lượng mua vào ngay từ đầu tháng 2. Các nhà phân tích nhận định có thể Trung Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nguồn cung dầu thô từ khối OPEC vẫn còn ở mức thấp.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây có thể khiến giá dầu quay lại mức 105 USD/thùng(01/03/2022)