Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 12/4.
Đáng chú ý, nguy cơ về một cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel đã đưa giá dầu có thời điểm trong phiên này vọt lên mức cao nhất của 6 tháng qua (đạt 87,67 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2023) . Tuy nhiên, giá dầu không trụ được ở mức đỉnh này đến cuối phiên, mặc dù vẫn tăng so với phiên trước.
Cụ thể, ở phiên 12/4, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 5/2024 tăng 64 xu Mỹ, hay gần 0,8%, lên chốt phiên cuối tuần ở mức 85,66 USD/thùng tại New York.
Tuy nhiên, nếu tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI lại giảm 1,4%.
Trong khi đó, cũng ở phiên 12/4, giá dầu Brent giao tháng 6/2024 tăng 71 xu Mỹ, hay 0,8%, lên 90,45 USD/thùng tại London, sau khi có thời điểm trong phiên đã chạm mức cao 92,18 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 0,8% trong tuần qua.
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về nguy cơ xung đột leo thang tại Trung Đông tiếp tục tác động đến thị trường dầu. Tâm lý lo ngại này cũng đã hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên 11/4, giúp giá dầu áp sát mức cao nhất trong 6 tháng.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên 10/4, sau khi thị trường nhận được tin các quan chức Mỹ lo ngại về một cuộc tấn công của Iran nhằm vào các mục tiêu ở Israel sắp diễn ra.
Trước đó, giá dầu thế giới giảm trong hai phiên 8/4 và 9/4, khi các nhà giao dịch đánh giá về khả năng ngừng bắn tại Dải Gaza và các rủi ro liên quan đến nguồn cung dầu tại Trung Đông.
Theo chiến lược gia về đầu tư Rob Haworth của U.S. Bank Asset Management, nếu xung đột lan rộng tại Dải Gaza, với sự đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel, có thể làm gia tăng rủi ro địa chính trị đối với giá dầu.
Trong khi Iran vẫn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, thì xung đột leo thang có thể làm gia tăng các lệnh trừng phạt, từ đó hạn chế hơn nữa hoạt động sản xuất dầu của Iran.
Chiến lược gia về năng lượng toàn cầu Vikas Dwivedi của công ty Macquarie cho rằng sẽ khó để giá dầu Brent duy trì trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay nếu các sự kiện địa chính trị không gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Macquarie dự báo giá dầu sẽ giảm vào cuối năm nay do một loạt nhân tố: nguồn cung ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng; một lượng lớn công suất dự phòng của OPEC và các đối tác tái gia nhập thị trường; và khả năng lạm phát cao tiếp tục làm giảm nhu cầu.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ngày 12/4 đã hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2024 xuống 1,2 triệu thùng/ngày, so với mức dự báo 1,3 triệu thùng/ngày trước đó. Tổng nhu cầu năm nay ước đạt trung bình 103,2 triệu thùng/ngày.
TIN KHÁC
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)
Mỹ siết tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ lít xăng dầu(20/11/2024)