Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023.
Một cơ sở khai thác dầu ở Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, khi viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp những cơn giá ngược như lạm phát ngày càng tăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, báo cáo của OPEC cho hay cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày năm 2023, không thay đổi so với những mức dự báo được đưa ra hồi tháng trước. OPEC dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày.
Theo OPEC, cầu dầu mỏ trong năm 2023 dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vẫn vững chắc ở các nước tiêu thụ chủ chốt, và một số yếu tố quan trọng khác như khả năng nởi lỏng các hạn chế phòng chống dịch COVID-19 và tình trạng bất ổn địa chính trị dịu bớt hơn.
Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, ghi nhận mức sản lượng 11,05 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022, tăng so với mức 10,8 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.
Tuy nhiên, báo cáo của OPEC cũng cho rằng triển vọng cầu dầu mỏ thế giới vẫn đối mặt với một số rủi ro, xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị hiện nay, tác động của đại dịch COVID-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao tại nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
OPEC dự báo nhu cầu dầu tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của các nền kinh tế ngoài OECD dự kiến là 1,5 triệu thùng/ngày.
Giá dầu đã chứng kiến nhiều biến động trong năm nay. Giá dầu Brent đã tăng lên gần mức 140 USD/thùng vào tháng 3/2022 sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Giá dầu trên các thị trường thế giới vẫn không ổn định, trong bối cảnh giới giao dịch lo ngại về triển vọng nhu cầu, lạm phát leo thang cũng như xu hướng tăng lãi suất.
Việc áp đặt các biện pháp chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, vốn đang ảnh hưởng tới khoảng 65 triệu công dân của quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới này, sẽ vẫn là mối quan ngại với các thị trường năng lượng.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu cũng có thể ảnh hưởng xấu đến cầu dầu mỏ thế giới. Hồi tháng 7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,2% trong năm nay, so với dự báo 3,6% được định chế tài chính đa phương quốc tế này đưa ra vào tháng 4.
Trong báo cáo mới nhất, OPEC đã không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,1% cho cả năm 2022 và 2023. OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ ở mức 1,8% trong năm 2022, song điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiên chung Eurozone xuống còn 3,1%.
OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc xuống 4,2%, trong khi mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ không thay đổi ở mức 7,1%./.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới nối dài đà phục hồi mạnh mẽ(20/09/2024)
Hàng loạt nhà máy lọc dầu phá sản khi lợi nhuận sụt giảm mạnh(19/09/2024)
Sau động thái của Fed, giá dầu thế giới đi xuống(19/09/2024)
Kỳ vọng nhu cầu cải thiện đẩy giá dầu tăng hơn 1%(18/09/2024)
Ảnh hưởng của bão vẫn chi phối giá dầu thế giới(17/09/2024)