Phương Tây áp trần giá dầu: Mục đích không đơn thuần là làm giảm ngân sách nhà nước Nga
02:17 SA @ Thứ Năm - 08 Tháng Mười Hai, 2022

Áp trần giá dầu Nga được nhìn nhận là một bằng chứng quan trọng cho thấy quyết tâm không suy giảm của liên minh phương Tây trong làm suy yếu Nga sau xung đột ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Các nhận định trước đây thường cho rằng áp trần giá dầu Nga sẽ kém hiệu quả, chỉ là biện pháp tượng trưng. Tuy nhiên, có một số nhận định ngược lại.

Theo trang oilprice.com, biện pháp áp giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12 không có gì ngạc nhiên, vì biện pháp này đã được Mỹ và các đối tác chính thảo luận ngay từ tháng 9/2022.

Tuy nhiên, đây là bằng chứng quan trọng cho thấy quyết tâm không suy giảm của liên minh phương Tây trong làm suy yếu Nga sau xung đột ở Ukraine.

Các nhà bình luận ở Nga theo dõi sát sao các cuộc tranh luận kéo dài ở Liên minh châu Âu (EU) về mức trần giá, hy vọng rằng giá sẽ đủ cao để khiến cho biện pháp này chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, những hy vọng này đã bị dập tắt vì mức 60 USD/thùng thấp hơn nhiều so với giá trung bình dầu Urals của Nga năm 2022. Phương Tây cho rằng mức 60 USD là nhằm ngăn chặn giá dầu tăng đột vọt lên 100 USD/thùng, như trường hợp vào giữa năm.

Trong những tuần gần đây, các quan chức Nga đã tuân theo hướng dẫn do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra. Ông Putin đã tuyên bố rằng sẽ không xuất khẩu dầu mỏ sang các quốc gia áp trần giá dầu Nga.

Theo các chuyên gia, chỉ thị của ông Putin sẽ không có mấy tác dụng vì quyết định của EU đã được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm chấm dứt tất cả hoạt động nhập khẩu dầu thô, dầu diesel và các sản phẩm khác của Nga.

Các công ty Nga đã chuyển khoảng một nửa hoạt động giao hàng sang châu Âu từ các trạm gần St. Petersburg sang Ấn Độ, nhưng chi phí vận chuyển cao và bên mua ngày càng muốn giảm giá đã cản trở Nga bán dầu cho người mua mới.

Cơ hội bán dầu Nga vượt giá trần vẫn có thể xuất hiện, nhưng chỉ có đội tàu chở dầu bí mật mà công ty vận chuyển Sovcomflot vừa hình thành mới có thể chở được lượng dầu này. Ngoài ra, rủi ro liên quan đến việc vận hành những con tàu cũ này mà không có bảo hiểm phù hợp là quá cao đối với hầu hết khách hàng.

Nga cho rằng gián đoạn hoạt động xuất khẩu và cảnh báo cắt giảm sản lượng sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn mới trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, đến mức các nền kinh tế phương Tây sẽ phải chịu một áp lực mới và không thể duy trì đoàn kết chống Nga.

Tuy nhiên, nhờ đã lường trước các lệnh trừng phạt mới đối với dầu Nga, những lo lắng trên thị trường có xu hướng giảm hơn là tăng.

Nga có lý do để kỳ vọng rằng sụt giảm nhu cầu dầu, nhất là ở Trung Quốc, sẽ thúc đẩy OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác) cắt giảm hạn ngạch sản xuất để đẩy giá lên. Nhưng Saudi Arabia, bên có ảnh hưởng nhất trong liên minh OPEC+, có thể có xu hướng giảm hỗ trợ Nga vì nước này không hài lòng khi Nga và Iran mở rộng hợp tác quân sự.

Khối lượng và doanh thu xuất khẩu ngày càng giảm sẽ có tác động sâu sắc đến ngành dầu mỏ Nga. Ngành này đã phải đóng cửa nhiều tài sản sản xuất trong mùa đông này và mất khả năng tiếp cận các công nghệ và dịch vụ cần thiết để khôi phục các mỏ dầu cũ, thăm dò các mỏ dầu mới.

Tác động trung hạn của các biện pháp trừng phạt có thể làm suy giảm nghiêm trọng ngành năng lượng của Nga, nhưng tác động ngay lập tức của các biện pháp mới sẽ là làm giảm ngân sách nhà nước Nga, vốn tính toán dựa trên giả định giá dầu ở mức 70 USD/thùng vào năm 2023.

Sụt giảm không thể tránh khỏi từ doanh thu từ dầu mỏ đã thúc đẩy giới lãnh đạo Nga tìm kiếm các kênh xuất khẩu mới. Tổng thống Putin đã đề xuất thành lập một liên minh khí đốt với Kazakhstan và Uzbekistan. Tháng trước, ông Putin cũng đề xuất tổ chức một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hiệu quả của các ý tưởng trên sẽ không sớm đến với Nga. Trong khi đó, phương Tây đang thực hiện mọi biện pháp trừng phạt để đảm bảo rằng Nga sẽ không thể xây dựng lại các khả năng cần thiết để duy trì tấn công Ukraine.

Nguồn: