Thị trường dầu mỏ rơi vào 'vùng không xác định'
11:42 CH @ Chủ Nhật - 11 Tháng Mười Hai, 2022

Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga vào châu Âu và mức giá trần 60 USD/thùng dầu Nga đang đưa thị trường dầu mỏ thế giới vào một tình huống chưa từng có và rất khó xác định được các hệ lụy.

Hoạt động khai thác dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye, miền Đông Izhevsk, gần vùng núi Ural, Liên bang Nga. Ảnh:REUTERS/TTXVN

Hoạt động khai thác dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye, miền Đông Izhevsk, gần vùng núi Ural, Liên bang Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Báo La Tribune cho biết, từ ngày 4/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực chính thức. Thứ hai đầu tuần này, mức giá trần 60 USD cho một thùng dầu Nga bán ra thị trường quốc tế cũng được EU áp dụng cùng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia. Các biện pháp này đang đưa thị trường dầu mỏ thế giới vào một tình huống chưa từng có và rất khó xác định được các hệ lụy.

Nghi ngờ các hệ lụy tiềm ẩn là lý do khiến Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) thận trọng, không vội đưa ra quyết định mới mà giữ nguyên chính sách hiện thời. Nhóm họp vào ngày 4/12, chỉ ít giờ trước khi các nước EU áp dụng lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga (một số nước như Hungary được miễn trừ), OPEC+ cho biết vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày như đã định tại cuộc họp hồi tháng 10. Tổ chức này cũng tuyên bố “sẵn sàng hành động” tùy thuộc vào phản ứng và xu hướng của thị trường thế giới.

Trên thực tế, việc OPEC+ tỏ thái độ thận trọng cũng là điều dễ hiểu bởi cho dù là cấm vận hay áp giá trần đối với một trong những nhân tố chủ chốt của thế giới là một tình huống chưa từng xảy ra. Theo số liệu của công ty dầu mỏ BP (Anh), năm 2021 Nga xuất khẩu 8,23 triệu thùng/ngày, tương đương 12,3% lượng dầu bán ra thị trường quốc tế. Trong tháng 10, số liệu được ghi nhận giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày.

Như vậy là cuối cùng, những đồn đoán về việc OPEC+ sẽ tăng sản lượng để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của Nga hoặc giảm sản lượng để ngăn chặn xu hướng giảm giá dầu do nhu cầu yếu từ Trung Quốc đã không thành hiện thực. Các thành viên của tổ chức tuân theo quyết định giảm hạn ngạch 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11, nhưng sẵn sàng “nhóm họp bất cứ lúc nào” nếu thấy cần thiết phải ứng phó với diễn biến bất lợi và “đảm bảo sự ổn định của thị trường”.

Về phần mình, các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, muốn thông qua chính sách giới hạn giá dầu để giảm thu nhập của Nga nhưng đồng thời cũng tránh làm giá dầu tăng vọt. Giá dầu tăng đã góp phần đẩy lạm phát trên khắp thế giới trong nhiều tháng lên mức chưa từng thấy kể từ những năm 1970.

Về lý thuyết, chính sách cấm vận của phương Tây được cho là sẽ phát huy tác dụng như mong đợi của nhiều nước chống Nga. Hiện tại, xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày trong tháng 1 xuống 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Nga đã bù đắp cho những tổn thất thị phần này ở châu Âu bằng cách bán dầu thô của mình với giá chiết khấu cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo thống kê, Ấn Độ chỉ mua 100.000 thùng dầu Nga mỗi ngày trong tháng 1/2022 nhưng đã nhập khẩu gấp hơn 10 lần trong tháng 10 với 1,1 triệu thùng/ngày. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã tăng khối lượng nhập khẩu dầu Nga từ 1,6 triệu thùng/ngày lên 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10.

Theo đánh giá của IEA, ít có khả năng hai nước này có thể hấp thụ thêm 1,1 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày kể từ ngày 5/12, nhất là khi nền kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, không thể phục hồi trước cuối nửa đầu năm 2023 do tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt. Nhu cầu của Trung Quốc đã giảm 4% trong năm 2022 so với năm 2021.

Tuy nhiên, không phải mỗi Nga chịu tổn thất, mà ngay các tác giả của cơ chế giá trần cũng trở thành nạn nhân của chính mình. Nếu như Nga gặp vấn đề về đầu ra và buộc phải điều hướng xuất khẩu thì ngược lại, các nhà công nghiệp tinh chế của châu Âu cũng phải tìm giải pháp thay thế. Các chủ thể này có thể tìm nguồn cung mới từ vùng Vịnh và châu Phi, nhưng sẽ gặp rủi ro đáng kể khi mua dầu thô của Nga thông qua các trung gian.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng nhận thức được điều này và “đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt các quốc gia lách lệnh cấm vận”. Đối tượng ở đây có thể là Thổ Nhĩ Kỳ khi quốc gia này bị nghi ngờ đã thiết lập một tuyến đường quanh co để vận chuyển dầu thô của Nga đến các nước châu Âu. Các trung gian tư nhân ở nước này có thể đã làm như vậy bởi những khoản lời thu được.

Freightwaves, một hãng tin chuyên về lĩnh vực hàng hải, trích dẫn một nguồn tin cho biết “hiện đang có 1.027 tàu chở dầu làm thành một “đội tàu ma” chuyên vận chuyển dầu từ Venezuela, Iran và Nga”. Hơn một nửa (503) trong số này là tàu có trọng tải cao, một số đã được bán cho các công ty vận tải nhỏ kể từ khi xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine. Các đối tượng này đã “nhìn thấy cơ hội lợi nhuận lớn để tận dụng tình hình của Nga”.

Trong thời gian “chờ xem”, điều quyết định phản ứng của các nhân tố trên thị trường dầu mỏ một lần nữa sẽ là giá cả và tất nhiên trong số đó có OPEC+. Giá dầu thô đã mất khoảng 8% trong vòng một tháng qua nhưng vẫn cao hơn 21% so với một năm trước. Ngày 2/12, giá dầu WTI dao động quanh mức 80 USD/thùng và dầu Brent khoảng 85 USD/thùng. Tuy không tuyên bố chính thức, nhưng OPEC+ muốn một mức giá khoảng 90 USD/thùng.

Các nước châu Âu đã lựa chọn mức giá trần là 60 USD/thùng chứ không phải 30 USD/thùng như yêu cầu của Ba Lan. Với mức trần khá cao, biện pháp giới hạn giá của EU được cho là chỉ có một tác động hạn chế đối với Nga. Giá dầu thô chất lượng bán chạy nhất của Nga, dầu Urals, đứng ở mức 69,45 USD/thùng vào ngày 2/12, chỉ thấp hơn 1% so với giá của nó một năm trước. Nhưng theo Argus Media, một trung tâm chuyên theo dõi giá nguyên liệu, Nga đã giao dịch dầu thô Urals với một giá chiết khấu cho các khách hàng ngoài châu Âu, cụ thể từ 48-50 USD/thùng.

Thị trường cũng đang chờ đợi phản ứng của Nga sẽ như thế nào. Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo sẽ ngừng cung cấp dầu cho các quốc gia ủng hộ cơ chế giá trần. Quan điểm này đã được Phó Thủ tướng Nga phụ trách Năng lượng Alexander Novak tái khẳng định trong ngày 4/12. Quan chức cho biết, Nga “đang nghiên cứu các cơ chế cấm sử dụng công cụ áp giá trần, bất kể mức độ nào”. Nga cáo buộc động thái của G7 và EU là vi phạm nguyên tắc thị trường, trong khi một số thành viên OPEC+ nói rõ đó là hành động thao túng giá dầu.

Cũng có khả năng Nga sẽ từ chối bán các sản phẩm tinh chế (xăng, dầu diesel...) cho các nước EU, gây thêm căng thẳng cho thị trường nhiên liệu châu Âu. Tình trạng “chờ xem” sẽ tiềm ẩn những yếu tố không chắc chắn và cho thấy thị trường dầu mỏ thế giới đang bước vào một “vùng không xác định”./.

Nguồn: