Fitch Ratings cho rằng đà tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể thúc đẩy OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng nếu thị trường dầu mỏ chuyển sang trạng thái dư cung.
Giá dầu thế giới đã giảm từ tháng 10/2023, đặc biệt giá dầu thô Brent giảm xuống chỉ còn 70 USD/thùng, từ mức cao kỷ lục năm nay là hơn 90 USD/thùng vào tháng 9 trước đó trong bối cảnh nhiều quan ngại về tình trạng dư cung giữa lúc triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Trước tình hình đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) ngày 30/11/2023 đã công bố quyết định cắt giảm thêm sản lượng trong năm 2024 để hỗ trợ giá “vàng đen”.
Theo đó, một số quốc gia OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thêm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024, nhằm hỗ trợ “sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”. Cụ thể là, Saudi Arabia sẽ gia hạn việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7/2023 đến cuối quý I/2024. Nga sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày đến tháng 3/2024, tăng so với mức 300.000 thùng/ngày hiện nay.
Trong khi đó, các quốc gia OPEC+ khác cam kết cắt giảm sản lượng ở mức ít hơn trong quý I/2024, trong đó Iraq cắt giảm 211.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (163.000 thùng/ngày), Kuwait (135.000 thùng/ngày), Oman (42.000 thùng/ngày). Algeria cũng cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 51.000 thùng/ngày trong quý I/2024, theo đó sản lượng sản xuất dầu của Algeria sẽ giảm xuống còn 908.000 thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm tới.
Việc cắt giảm sản lượng căn cứ vào hạn ngạch đã được thông qua tại cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ gần đây nhất vào tháng 6/2023. Động thái này bổ sung vào cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện đã được các nước OPEC+ công bố hồi tháng 4/2023 và sẽ kéo dài thời gian thực hiện đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng mới sẽ được điều chỉnh từng bước tùy theo điều kiện thị trường để hỗ trợ sự ổn định thị trường sau tháng 3/2024.
Tuy nhiên, bất chấp việc OPEC và OPEC+ thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ, đà giảm của giá dầu vẫn tiếp tục duy trì. Theo nhận định của giới phân tích, điều này cho thấy triển vọng về nhu cầu dầu toàn cầu đã suy yếu và thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+ không đủ thuyết phục thị trường.
Bên cạnh đó, do việc cắt giảm là tự nguyện nên việc giá dầu giảm cũng phản ánh sự hoài nghi trên thị trường về việc liệu các nhà sản xuất có hoàn toàn thực hiện đúng cam kết đưa ra hay không. Sau khi giá dầu giảm, các thành viên nổi bật nhất của khối như Saudi Arabia và Nga đã vội vã trấn an nhà đầu tư rằng OPEC+ có thể can thiệp một lần nữa nếu động thái đó cần thiết để cân bằng cung cầu trên thị trường.
Liên quan đến tương lai của thị trường dầu mỏ toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu xuống 2,7% vào năm 2024 - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm đại dịch 2020, chủ yếu là do triển vọng tăng trưởng u ám của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là những nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Nhu cầu yếu là nguyên nhân nữa khiến giá dầu khó có thể tăng, thậm chí có thể xảy ra tình trạng dư cung.
Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhận định OPEC+ có thể cắt giảm thêm sản lượng trong năm 2024. Fitch Ratings cho rằng đà tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể thúc đẩy OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng nếu thị trường dầu mỏ chuyển sang trạng thái dư cung.
Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA) dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2024, chủ yếu nhờ đà tăng trưởng khởi sắc của các hoạt động kinh tế phi dầu mỏ. Theo Fitch Ratings, các quốc gia tại MENA sẽ ổn định sản lượng dầu mỏ của mình trong năm 2024, sau các quyết định cắt giảm sản lượng vào năm 2023 của OPEC+.
Trong năm 2024, OPEC giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Trong báo cáo thị trường dầu mỏ được công bố ngày 13/12/2023, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm đáng kể so với mức tăng dự báo 2,46 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Dự báo này không thay đổi so với báo cáo mà OPEC đưa ra hồi tháng 11/2023. OPEC cho biết tổ chức này vẫn “lạc quan một cách thận trọng” về các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vào năm 2024.
Theo OPEC, trong năm tới, nhu cầu dầu mỏ sẽ được tiếp sức nhờ sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vững vàng, trong bối cảnh hoạt động kinh tế tiếp tục được cải thiện ở Trung Quốc.
OPEC+ là một Ủy ban bao gồm OPEC và các đồng minh của tổ chức này. Các thành viên OPEC bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq, Iran, Kuwait, Saudi Arabia, Venezuela, Algeria, Angola, Gabon, Nigeria, Libya, Cộng hòa Congo và Guinea Xích đạo.
Các quốc gia ngoài OPEC hoặc đồng minh là Nga, Kazakhstan, Bahrain, Brunei, Malaysia, Azerbaijan, Mexico, Sudan, Nam Sudan và Oman. Về cơ bản, các thành viên đều đến từ các nước sản xuất dầu lớn.
Các quyết định của OPEC+ đặc biệt quan trọng vì giúp điều tiết nguồn cung dầu toàn cầu, từ đó tác động đến giá dầu. Vì OPEC+ kiểm soát khoảng 60% giao dịch xăng dầu quốc tế cũng như 80% trữ lượng dầu đã biết nên họ có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường dầu mỏ.
TIN KHÁC
Trung Đông sắp rơi vào trận chiến dầu mỏ?(11/10/2024)
Giá dầu thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của bão ở Mỹ và căng thẳng Trung Đông(11/10/2024)
Nguyên nhân khiến EIA hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới(10/10/2024)
Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh kéo giá dầu đi xuống(10/10/2024)
Giá dầu thế giới giảm hơn 4%(09/10/2024)