Thị trường dầu thế giới có tuần giao dịch ảm đạm nhất kể từ tháng 2/2024, do nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông, sản lượng dầu của Mỹ duy trì mạnh mẽ và dấu hiệu nhu cầu tiêu thụ chậm lại.
Thị trường dầu thế giới chứng kiến tuần giao dịch ảm đạm nhất kể từ tháng 2/2024, do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông giảm bớt, sản lượng dầu của Mỹ duy trì mạnh mẽ và dấu hiệu nhu cầu tiêu thụ chậm lại.
Giá dầu thế giới để mất hơn 1 USD/thùng ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 29/4), khi đề xuất ngừng bắn của Israel đã làm dịu bớt lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông. Cùng với đó, số liệu lạm phát của Mỹ đã làm mờ đi kịch bản lãi suất sắp được cắt giảm.
Xu hướng đi xuống vẫn tiếp diễn trong các phiên giao dịch sau đó, đưa giá dầu chạm mức thấp nhất bảy tuần, giữa bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã bất ngờ bổ sung 7,3 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 26/4, trái ngược với dự báo giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Theo các chuyên gia, số liệu về dự trữ dầu thô đã tác động đến thị trường “vàng đen”. Ông Bob Yawger, người phụ trách thị trường năng lượng kỳ hạn tại ngân hàng Mizuho lưu ý vào thời điểm này trong năm, dự trữ dầu thô thường giảm khi một lượng lớn dầu thô được chuyển đến các nhà máy lọc dầu.
Nhà phân tích dầu Alex Hodes của công ty dịch vụ tài chính StoneX cho biết cả hai loại dầu chuẩn này đều đóng cửa dưới mức giá trung bình 200 ngày, đây là chỉ báo kỹ thuật quan trọng cho thấy sự thay đổi của thị trường dầu thô.
Các nhà đầu tư dầu mỏ ngày càng lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ, khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vẫn tiếp tục mà không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung dầu ở Trung Đông.
Các nhà giao dịch cho rằng đà gia tăng giá dầu vào sáng phiên giao dịch cuối tuần (ngày 3/5) có liên quan đến một tin tức cho rằng một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẵn sàng gia hạn cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được đến cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2024 giảm 71 xu Mỹ (0,85%), xuống 82,96 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 6/2024 hạ 84 xu Mỹ (1,06%), xuống 78,11 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent mất 7%, giá dầu WTI giảm 6,8%.
Ông Matthew Parry, Giám đốc phân tích dài hạn tại Energy Aspects, nói rằng kỳ vọng về hoạt động lọc dầu của Trung Quốc trong tương lai đã giảm. Trong khi đó, tin tức hàng tuần về số lượng giàn khoan dầu của Mỹ giảm mạnh không hỗ trợ đáng kể cho giá dầu, ngay cả khi sự sụt giảm đó cho thấy khả năng hoạt động sản xuất dầu chậm lại trong tương lai.
TIN KHÁC
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)
Mỹ siết tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ lít xăng dầu(20/11/2024)