Thị trường dầu tính chung tuần vẫn tăng dù có nhiều yếu tố bất lợi
04:04 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Giêng, 2024

Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên ngày 19/1, song ghi nhận tăng tính theo tuần giữa bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông và sự gián đoạn sản lượng dầu bù đắp lo ngại về kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.

Giếng dầu ở tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 54 xu xuống 78,56 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 67 xu xuống 73,41 USD/thùng.

Trong tuần này, giá dầu Brent đã tăng khoảng 0,5%, còn dầu WTI tăng hơn 1%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn dự kiến trong quý IV làm dấy lên nghi ngờ về dự báo nhu cầu dầu của nước này sẽ thúc đẩy tăng trưởng dầu toàn cầu trong năm 2024.

Giám đốc phụ trách mảng năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho Bob Yawger cho biết, thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần này đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 5 năm. Dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu hơn đã đẩy giá dầu thô giảm trong phiên 19/1.

Trong khi đó, rủi ro địa chính trị tại khu vực Trung Đông đã hỗ trợ giá dầu trong tuần này. Mặc dù xung đột ở Trung Đông không làm đình trệ hoạt động sản xuất dầu, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung vẫn tiếp tục xảy ra ở Libya.

Ngoài ra, cơ quan quản lý đường ống của bang Bắc Dakota cho biết, khoảng 30% sản lượng dầu ở bang sản xuất lớn thứ ba nước Mỹ này vẫn đóng cửa do thời tiết cực lạnh. Sản lượng đã bị giảm khoảng 700.000 thùng/ngày vào giữa tuần. Cơ quan quản lý nhà nước cho có thể mất một tháng để hoạt động sản xuất trở lại mức bình thường.

Trong khi đó, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ, một chỉ số sớm về sản xuất, đã giảm 2 giàn xuống còn 497 giàn trong tuần này.

Dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng mạnh đã góp phần đẩy giá "vàng đen" tăng gần 2% trong phiên 18/1. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần này đã nâng dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2024, nhưng chỉ bằng 50% so với dự báo của Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Trong các phiên giao dịch trước đó, thị trường dầu phần lớn trong trạng thái tăng giảm trái chiều hoặc “án binh” chờ thông tin để tìm hướng đi.

Nguồn: