Xung đột ở Ukraine vẽ lại bản đồ dòng chảy dầu mỏ thế giới
02:43 SA @ Thứ Sáu - 17 Tháng Ba, 2023

Báo La Tribune vừa có bài viết khái quát lại những thay đổi trên bản đồ dòng chảy dầu mỏ thế giới kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Cơ sở dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Ảnh:AFP/TTXVN

Cơ sở dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Là các nhà nhập khẩu dầu thô chủ chốt của Nga cho đến khi xảy ra xung đột tại Ukraine, các nước châu Âu đã nhanh chóng chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Mỹ và Saudi Arabia. Các quốc gia khác, đặc biệt là Nam Mỹ, cũng được hưởng lợi từ sự thay đổi trong cấu hình phân phối lại dòng chảy của thị trường vàng đen thế giới.

Cuối tháng Hai, ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố một đợt trừng phạt mới đối với Nga sau một năm nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Điện Kremlin đã đáp trả bằng cách khóa van đường ống Druzhba vận chuyển dầu thô tới Ba Lan.

Nhưng theo tập đoàn năng lượng Ba Lan PKN Orlen, quyết định này của Nga thực ra chỉ còn mang tính biểu tượng, bởi hợp đồng giữa hai bên sắp kết thúc, trong khi Ba Lan đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác từ một năm nay. Cụ thể, PKN Orlen nhập dầu chủ yếu bằng đường biển và nguồn cung mới rất đa dạng, "từ Biển Bắc, Tây Phi, lưu vực Địa Trung Hải, đến vịnh Ba Tư và vịnh Mexico". Giống như Ba Lan, tất cả các thành viên EU khác cũng đã làm như vậy, tức là "vẽ lại" bản đồ dòng chảy của thị trường vàng đen thế giới.

Trong số các nhà cung cấp, bên được hưởng lợi nhất là Mỹ và Saudi Arabia. Theo Kpler, một công ty chuyên về dữ liệu nguyên liệu thô, bất chấp chi phí vận chuyển cao chót vót, Mỹ đã xuất khẩu một khối lượng dầu thô sang các nước châu Âu (bao gồm Anh) tăng trung bình 38% kể từ tháng 2/2022 so với 12 tháng trước đó. Phần lớn nhất của nguồn cung này xuất phát từ các bang nằm ven bờ vịnh Mexico và được chuyển đến Anh, Hà Lan, Italy, Pháp, Đức và đặc biệt là Tây Ban Nha - quốc gia có mức tăng lớn nhất (90%).

Theo dữ liệu của Kpler, đã có 1,7 triệu thùng dầu thô được vận chuyển mỗi ngày từ Mỹ sang châu Âu trong tháng 12/2022, một kỷ lục trong hai năm, đưa "lục địa già" thay thế châu Á để trở thành khách hàng số một của Mỹ. Trong tháng 1/2023, khối lượng vận chuyển đã giảm xuống còn 1,53 triệu thùng/ngày nhưng xu hướng này có thể sẽ kéo dài. Dầu thô Mỹ chảy sang châu Âu đã tạo thay đổi lớn trên bản đồ năng lượng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, điều này sẽ tiếp diễn do châu Âu tiếp tục phải nỗ lực bù vào sư thiếu hụt do mất hẳn nguồn cung từ Nga. Sự bùng nổ về nhu cầu dầu mỏ, cũng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu rõ ràng là một vận may trời cho, thúc đẩy các công ty Mỹ khai thác thêm dầu để tận dụng thời cơ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng tại nước này năm nay sẽ đạt 12,4 triệu thùng/ngày, cao hơn một chút so với mức 12,3 triệu thùng/ngày của năm 2019, nhưng sẽ tăng lên 12,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, và 3/4 trong số đó là dầu đá phiến.

Saudi Arabia cũng đang hưởng lợi lớn từ việc tăng thị phần ở châu Âu ngay cả khi nước này phải trả giá bằng việc mất vị trí là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc. So với năm 2021, xuất khẩu của quốc gia thành viên số 1 trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này sang châu Âu tăng 126% trong năm 2022.

Đặc tính của dầu thô Saudi Arabia là nhẹ, thuận lợi cho việc sản xuất dầu diesel, một sản phẩm mà "lục địa già" luôn có nhu cầu rất cao. Lâu nay, châu Âu vẫn nhập khẩu diesel từ Nga, nhưng nguồn cung này đã chấm dứt kể từ khi lệnh cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu Nga do EU ban hành có hiệu lực kể từ ngày 5/2.

Sự thay đổi về điểm đến của dầu thô Saudi Arabia không phải là không đáng kể, bởi đây là nước xuất khẩu dầu thô bằng đường biển hàng đầu thế giới, với khối lượng tăng 12,7% trong năm 2022. Mặc dù vậy, thị trường châu Âu vẫn chỉ chiếm hơn 10% doanh thu của quốc gia vùng Vịnh này.

Các khách hàng quan trọng nhất của Saudi Arabia vẫn là ở châu Á cho dù nước này phải nhường thị phần Trung Quốc và Ấn Độ cho Nga, do giá dầu thô của Nga giảm. Saudi Arabia vẫn tiếp tục giữ được các khách hàng quan trọng khác là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác, chẳng hạn như Singapore và Indonesia.

Các quốc gia khác cũng sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về dòng chảy này, chẳng hạn như Brazil, Argentina, Canada, Na Uy và Guyana. Theo Rystad Energy, một công ty chuyên nghiên cứu năng lượng, Guyana sẽ chứng kiến sự bùng nổ ngoạn mục về xuất khẩu dầu thô, với dự báo sản lượng tăng sẽ từ 360.000 lên 830.000 thùng/ngày vào năm 2025, sau đó là 1 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng 164% trong năm 2022 và một nửa trong số đó được chuyển sang thị trường châu Âu./.

Nguồn: