Sáng 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo “nóng”, thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Thành phần 3 công tác của Bộ Công Thương bao gồm: Mỗi đoàn một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế.
Về nội dung làm việc, đoàn tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…nhưng chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu. Hoạt động của các đoàn công tác không chỉ thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước tới lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mà thông qua việc thực hiện giám sát để “truy” gốc rễ vấn đề, từ có có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời. Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các đoàn công tác, xử lý nghiêm minh các sai phạm.
“Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo "nóng" thành lập 3 đoàn công tác thực hiện giám sát kinh doanh xăng dầu trên cả nước
Ba đoàn công tác sẽ lên đường thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nhưng sẽ hoạt động liên tục đến hết năm 2022 và cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.
Nhấn mạnh về chức năng của các đoàn công tác này, Bộ trưởng cho rằng các đoàn trên không phải là đoàn kiểm tra, nhưng có chức năng giám sát và đặc biệt không gây khó dễ cho doanh nghiệp và không phải doanh nghiệp nào cũng kiểm tra. Cán bộ nào thuộc đoàn công tác vào kiểm tra, giám sát gây khó dễ cho doanh nghiệp thì sẽ bị xử lý nghiêm. Nhiệm vụ của 3 đoàn công tác sẽ giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có biểu hiện vi phạm, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, giảm thời gian bán hàng sai quy định.
Bên cạnh đó, các đoàn công tác còn thể hiện trách nhiệm của Bộ trong vai trò cơ quan quản lý của nhà nước nhằm giám sát không chỉ doanh nghiệp mà giám sát các Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các địa phương đối với việc giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để bảo đảm không xảy ra biến động lớn và không tạo hiệu ứng xã hội phức tạp. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ là đơn vị đầu mối của đoàn công tác tại các địa phương.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh 4 đơn vị được giao nhiệm vụ gồm: Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế phải chủ động tham mưu cho các Thứ trưởng phụ trách khu vực để phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ, Bộ trưởng cho rằng cần phải chú ý tới một số thành phố lớn khu vực này có hiện tượng không bình thường. Bên cạnh đó, tại khu vực này có hiện tượng xăng dầu của Việt Nam đã và đang bị “chảy” ra các nước xung quanh như: Lào, Campuchia, Thái Lan bởi vì giá của Việt Nam thấp đến 12 % so với khu vực.
Bộ trưởng cũng yêu cầu cán bộ tại các đơn vị được phân công thì phải khẩn trương lên đường vào địa bàn phối hợp với Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương các địa phương để kiểm tra ngay.
Đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương yêu cầu không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giao các Thứ trưởng làm trưởng các đoàn công tác chịu trách nhiệm giữ mối liên hệ với các địa phương trong vùng được phân cấp phụ trách trực tiếp thị sát, giám sát và chỉ đạo để lực lượng Quản lý thị trường và Sở Công Thương các địa phương cùng với lực lượng chức năng trên địa bàn giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để giám sát, chỉ đạo thực hiện theo Nghị định 83, Nghị định 95 và những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong thời gian vừa qua về vấn đề kinh doanh xăng dầu để bảo đảm mặt hàng này ổn định trong những ngày lễ và từ giờ đến cuối năm.
TIN KHÁC
Từ 1/1/2025, xe 'xanh' sẽ có màu tem kiểm định riêng(29/11/2024)
Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Công ty TNHH Trung Linh Phát(29/11/2024)
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 28/11/2024(28/11/2024)
Ngân hàng PVcomBank tham gia tư vấn thu xếp vốn cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất(28/11/2024)
Chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)(27/11/2024)