Trước góp ý từ các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã tổng hợp, tiếp thu, đồng thời giải trình lý do vẫn nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng và điều hòa.
Tham gia góp ý về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tư pháp cho rằng đối tượng chịu thuế tại dự thảo cơ bản kế thừa luật hiện hành. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đánh giá toàn diện hơn để có cơ sở đề xuất loại bỏ một số mặt hàng đang chịu thuế TTĐB ra khỏi đối tượng chịu thuế.
Bộ Tư pháp lấy ví dụ về mặt hàng xăng E5 - E10 là loại nhiên liệu có hàm lượng 5-10% cồn sinh học. Đây là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên việc đánh thuế có thể không còn hợp lý.
“Mục đích của loại thuế này là định hướng tiêu dùng nhưng chưa có mặt hàng thay thế xăng cho ngành sản xuất nên không có lựa chọn”, Bộ Tư pháp nêu quan điểm.
Giảm thuế TTĐB với xăng nhưng tăng thuế môi trường
Cũng liên quan đến mặt hàng nhiên liệu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng việc tiêu dùng xăng sinh học (E5 và E10) chưa thay thế được xăng khoáng do thói quen người tiêu dùng và ưu điểm của loại nhiên liệu này. Do đó, việc thay thế xăng khoáng cần có lộ trình.
Bên cạnh đó, Bộ này cho biết mặt hàng xăng hiện nay ngoài thuế TTĐB còn chịu thuế Bảo vệ môi trường. Theo quy định, mỗi lít xăng bán ra phải chịu thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng, E5 là 1.900 đồng và dầu diesel 1.000 đồng.
Vì vậy, đề nghị xem xét giảm thuế TTĐB với xăng khoáng nhưng có thể xem xét tăng thuế suất bảo vệ môi trường để phù hợp với mục tiêu đánh thuế.
Trong văn bản đề xuất gửi Bộ Tài chính trước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc 2 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế TTĐB và bảo vệ môi trường.
“Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế TTĐB đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này”, VCCI kiến nghị.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm đánh thuế TTĐB với xăng, gồm cả xăng sinh học, là phù hợp. Điều này góp phần làm giảm phát thải và định hướng tiêu dùng tiết kiệm và tuân theo thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, xăng E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này.
Để khuyến khích xăng sinh học, thuế suất với loại này thấp hơn xăng khoáng giống như hầu hết quốc gia như Pháp, Đức, Italy, Anh, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào. Luật thuế TTĐB đã quy định thuế suất ưu đãi đối với mặt hàng xăng E5 là 8%, E10 là 7% trong khi xăng khoáng là 10%.
Cơ quan soạn thảo cho biết xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1995. Năm 2021, nguồn thu từ sắc thuế này với xăng các loại khoảng 9.777 tỷ đồng, gồm cả nhập khẩu và nội địa, chiếm 6,88% tổng thu thuế TTĐB.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 22-23 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nửa đầu năm nay, cả nước tiêu thụ khoảng 13,2 triệu m3/tấn xăng dầu, giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đề xuất bỏ thuế TTĐB với điều hòa công suất phổ thông
Bên cạnh xăng, các bộ, ngành cũng tham gia góp ý việc sửa đổi mặt hàng điều hòa trong dự thảo luật.
Theo Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, điều hòa có công suất từ 90.000 BTU trở xuống đã trở thành hàng phổ thông, trong đó loại 9.000-12.000 BTU được sử dụng phổ biến trong các gia đình từ đô thị tới nông thôn. Thực tế, hầu hết mặt hàng này được sản xuất với công nghệ inventer tiết kiệm điện.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm xây dựng Luật Thuế TTĐB vào năm 2008. Do đó, cơ quan này đề nghị bỏ mặt hàng có công suất này ra khỏi đối tượng chịu thuế.
Trường hợp cần thiết đánh thuế để bảo vệ môi trường, Bộ Tư pháp cho rằng cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động, nghiên cứu, cân nhắc chia nhiều mức thuế suất với công suất tương ứng, đảm bảo công bằng.
Đồng quan điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính tham vấn ý kiến các bộ, ngành có liên quan để xem xét giữ hay bỏ mặt hàng này ra khỏi danh sách đối tượng chịu thuế, đặc biệt với loại có công suất dưới 18.000 BTU. Trường hợp tiếp tục áp thuế, cần bổ sung đánh giá mức độ phát thải khi sử dụng, đề xuất phương án giảm thuế xuống mức phù hợp.
Giải trình vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định điều hòa dưới 90.000 BTU phục vụ nhu cầu cá nhân sử dụng năng lượng điện lớn và là một trong những tác nhân khiến trái đất nóng lên. Những chất làm mát phổ biến ở máy điều hòa như HFC còn gây hại cho tầng ozone và ô nhiễm môi trường.
Từ việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho biết nhiều quốc gia áp sắc thuế này với sản phẩm điều hòa hay với chất làm HFC. Tại châu Âu, để tiết kiệm năng lượng, nhiều quốc gia thậm chí quy định hạn chế sử dụng.
“Do vậy, cần tiếp tục thu thuế với mặt hàng này công suất dưới 90.000 BTU để nâng nhận thức về việc hạn chế tiêu dùng, định hướng tiết kiệm, bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính nêu.
Theo thống kê, số thu thuế TTĐB với mặt hàng điều hòa năm 2021 đạt 2.256 tỷ đồng, gồm cả nhập khẩu và nội địa, chiếm 1,78% tổng thu thuế TTĐB.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)